Sổ tay kinh tế: Kiểm soát ngoại tệ lậu chảy ra nước ngoài

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo thường niên “Hồ sơ các hoạt động quốc tế trong lĩnh vực bất động sản ở Mỹ năm 2017” do Hiệp hội quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) công bố ngày 18/7, dòng tiền từ Việt Nam chiếm 2%, tức 3,06 tỷ USD và xếp ở vị trí thứ 6 (tăng 2 bậc so với báo cáo năm 2016 và ngang hàng với các nước như Đức hay Nhật Bản) trong tổng giá trị các dòng tiền trên thế giới đổ vào mua nhà ở Mỹ.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Điểm đáng lưu ý là theo Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối thì việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài để mua nhà là chưa được phép. Theo Ngân hàng Nhà nước, từ quý I/2013 - II/2016 đã có tới tổng cộng 30,67 tỷ USD được chuyển ra nước ngoài dưới dạng tiền và tiền gửi… Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, lũy kế đến năm 2016, Việt Nam đã đầu tư trực tiếp vào 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 891 dự án và tổng vốn đăng ký đạt gần 20 tỷ USD; vốn thực hiện đạt khoảng đạt gần 30%...
Cùng với quá trình hội nhập, cơ sở pháp lý cho đầu tư ra nước ngoài cũng đang từng bước hoàn chỉnh. Ngày 25/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích kinh doanh, thủ tục đầu tư ra nước ngoài và quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Nghị định nêu rõ, 5 loại dự án đầu tư sau đây phải có tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư gồm: Dự án năng lượng; Nuôi, trồng, đánh bắt, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy hải sản; Đầu tư trong lĩnh vực khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, chế tạo; Đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư được cấp tài khoản truy cập Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đồng thời với việc gửi báo cáo bằng văn bản. Bên cạnh hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam cũng đã chính thức được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (theo Thông tư 105/ TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 135/2015/NĐ-CP Quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài có hiệu lực từ ngày 15/8/2016).
Đầu tư trực tiếp, gián tiếp và cả những dòng ngoại tệ chảy ra nước ngoài cho học tập, chữa bệnh và nghỉ ngơi của Việt Nam đang và sẽ ngày càng đa dạng về hình thức và lĩnh vực, mở rộng phạm vi và tăng về quy mô và luôn có tác động hai mặt. Điều này đòi hỏi cần diễn ra trong khuôn khổ luật pháp, nhất là cần ngăn chặn hiệu quả sự chạy trốn ra nước ngoài của những dòng tiền có được từ tham nhũng, buôn lậu và từ các hoạt động bất minh khác đã, đang và sẽ gây tổn hại cho lợi ích quốc gia.