Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sổ tay kinh tế] Năm 2018, xuất siêu vượt mốc 5,5 tỷ USD

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 11 tuy nhập siêu 414 triệu USD, nhưng tính từ đầu năm đến 15/11 lại xuất siêu lớn.

Điểm nhấn quan trọng nhất là quy mô xuất siêu lớn nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay. Nếu trong thời gian còn lại của năm 2018, dù có nhập siêu như nửa đầu tháng 11, xuất siêu của cả năm vẫn vượt qua mốc 5,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, Việt Nam xuất siêu.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tiếp tục xuất siêu, cao hơn cùng kỳ cả về quy mô tuyệt đối (28,74 tỷ USD so với 23,54 tỷ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (18,8% so với 17,6%). Khu vực kinh tế trong nước tuy vẫn còn nhập siêu lớn nhưng tỷ lệ nhập siêu đã thấp hơn (36,4% so với 17,6%). Xuất siêu lớn đã góp phần làm cho cán cân thanh toán đạt thặng dư, góp phần làm cho dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước tới nay, bảo đảm được ranh giới an toàn tài chính khi đạt 3 tháng nhập khẩu, góp phần ổn định tỷ giá (giá USD bình quân 10 tháng năm nay tăng thấp so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm trước, tức là tăng 1% so với 1,54%). Điều này càng có ý nghĩa và vượt ra ngoài dự báo của các chuyên gia, bởi nó diễn ra trong điều kiện xảy ra cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ - Trung), cũng là 2 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đồng USD lên giá, trong khi đồng tiền của nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam bị mất giá mạnh so với USD.

Xuất siêu với nhiều thị trường lớn và có thị trường còn tăng so với cùng kỳ, như Mỹ, Hồng Kông, Hà Lan, Anh, Áo, Đức, Canada, Ấn Độ, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển... Một số thị trường tuy còn nhập siêu lớn, nhưng so với cùng kỳ đã thấp hơn (Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore).

Thực tế xuất siêu lớn và tăng do nhiều yếu tố như tăng trưởng có sự chuyển biến theo hướng nghiêng về phía cung nên đã chuyển sang xuất siêu chứ không phải nhập siêu. Yếu tố do tăng trưởng GDP đạt kết quả kép vừa tăng cao hơn tốc độ năm trước, vừa cao hơn mục tiêu đề ra. Ngoài ra, yếu tố xuất khẩu đạt quy mô lớn hơn và tăng với tốc độ cao hơn (15,1% so với 12,4%). Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã tăng cao hơn của khu vực có vốn ĐTNN (17,1% so với 14,1%). Đã có 26 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng đạt trên 4 tỷ USD, đặc biệt có 5 mặt hàng đạt trên 13 tỷ USD (điện thoại, dệt may, máy tính, giày dép…). Đáng lưu ý, lần đầu tiên mới qua 10,5 tháng xuất khẩu đã vượt qua mốc 43 tỷ USD với 27 địa bàn đạt trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 6 địa bàn đạt trên 10 tỷ USD gồm (TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội); có 26 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 4 thị trường đạt trên 15 tỷ USD là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).