Sóc Sơn đạt 7/9 tiêu chí Huyện nông thôn mới

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/8, huyện Sóc Sơn tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình số 02 CTr/TU của Thành ủy, huyện Sóc Sơn đã có 20/25 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; 5 xã còn lại cơ bản đạt từ 10 - 18 tiêu chí. Hiện, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có trên 90% đường trục xã, thôn, đường ngõ xóm được cứng hóa; 69,3% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; thu nhập bình quân đầu người đạt 43,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,8%.
Trong xây dựng nông thôn mới, Sóc Sơn là huyện đi đầu toàn TP về dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, chất lượng cao. Đến nay, huyện đã xây dựng được 7 thương hiệu, hình thành 9 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản...
Đáng chú ý, căn cứ Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định, thị xã, TP trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, huyện Sóc Sơn đã đạt 7/9 tiêu chí gồm: Quy hoạch, thủy lợi, điện, Y tế - Văn hóa - Giáo dục, sản xuất, an ninh trật tự và chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; còn 2 xã cơ bản đạt là: Giao thông và môi trường. Huyện Sóc Sơn phấn đấu trong năm 2019 sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 100% số xã và về đích Huyện nông thôn mới.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong thăm quan gian hàng bên lề hội nghị 
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhận xét: Huyện Sóc Sơn đã chọn khâu khó nhất trong xây dựng nông thôn mới là dồn điền, đổi thửa để làm trước. Sau dồn điền đổi thửa, huyện triển khai ngay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, để người dân yên tâm sản xuất.       
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng lưu ý, huyện Sóc Sơn cần tập trung xây dựng để có nhiều hơn các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Sau dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại sản xuất, huyện cần tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh bản chất của xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở thu nhập của người dân cao, hạ tầng khang trang mà phải bảo tồn được nếp văn hóa truyền thống của vùng nông thôn cổ, là bản sắc văn hóa vùng miền... Do vậy, huyện Sóc Sơn cần quan tâm xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn các nét văn hóa truyền thống...