Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sóc Sơn giải bài toán thu nhập

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bên cạnh việc quan tâm, đầu tư nâng cấp hạ tầng theo hướng đồng bộ nhằm thay đổi diện mạo nông thôn thì cải thiện đời sống cho người dân là nhiệm vụ được huyện Sóc Sơn đặc biệt chú trọng.

Tạo tiền đề cho sản xuất

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, Sóc Sơn đã tranh thủ sự đầu tư của TP, tập trung nguồn lực địa phương cho việc nâng cấp hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, huyện đã xây dựng mới và nâng cấp 14 trạm bơm; kiên cố hóa gần 71km kênh mương; đào đắp thủy lợi nội đồng đạt 5,6 triệu mét khối. Với sự chung sức, đóng góp bằng tài sản và ngày công của đông đảo người dân, đến nay, 17/25 xã trên địa bàn huyện đã đạt tiêu chí giao thông.

 Mô hình trồng hoa nhài mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân Sóc Sơn.

Hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp đồng bộ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Bước đột phá và thành tựu nổi bật trước tiên là công tác dồn điền đổi thửa. Đến nay, Sóc Sơn đã hoàn thành dồn điền đổi thửa được 10.845ha, vượt kế hoạch TP giao. Số diện tích đất dôi dư khoảng 96ha được bổ sung vào quỹ đất công, tạo điều kiện để quy hoạch cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi. Công tác dồn điền đổi thửa đạt kết quả ấn tượng còn tạo điều kiện thuận lợi nâng cao giá trị ngành nông nghiệp thông qua ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và triển khai các mô hình kinh tế theo quy mô tập trung...

Nâng cao giá trị ngành nông nghiệp

Trong điều kiện ngành nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn, việc tập trung phát triển các mô hình sản xuất cho giá trị kinh tế cao được địa phương đặc biệt chú trọng. Nhiều cơ chế chính sách khuyến khích đưa giống mới, tiến bộ vào sản xuất đã được triển khai. Đến nay, toàn huyện đã hình thành được 35 vùng lúa chất lượng cao với tổng diện tích trên 12.815ha. Các vùng sản xuất chuyên canh bưởi (250ha), chè an toàn và VietGAP (200ha), hoa nhài (150ha), rau an toàn (310ha)... Đã xây dựng được 79 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với giá trị sản phẩm xuất chuồng tăng đều qua các năm.

Trong giai đoạn 2011 - 2016, ngành nông nghiệp Sóc Sơn tăng trưởng bình quân 3,87%/năm. Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác khoảng 152 triệu đồng. Bên cạnh phát triển nông nghiệp, công nghiệp hóa - hiện đại hóa cũng được địa phương xem là nhiệm vụ thường xuyên. Trong 5 năm qua, huyện đã phối hợp với các sở, ngành của TP tổ chức đào tạo việc làm cho trên 16.000 lao động thuộc các ngành nghề, trong đó có nông nghiệp. Đặc biệt, đã thực hiện chuyển đổi khoảng 15.000 lao động nông nghiệp sang công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Việc đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật, linh hoạt chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống vật chất cho người dân nông thôn. Tính đến hết tháng 11/2016, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã đạt xấp xỉ 35 triệu đồng/năm.  

Dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân của người dân đạt mức 50 triệu đồng/năm vào năm 2020 vẫn sẽ là bài toán không dễ đối với địa phương còn nhiều khó khăn như Sóc Sơn. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết: Cải thiện đời sống cho người dân sẽ vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 của địa phương. Để Sóc Sơn tiếp tục có những bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa, huyện kiến nghị TP tiếp tục hỗ trợ, mở rộng một số vùng sản xuất chuyên canh; đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-HĐND của HĐND TP về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, cần sớm nghiên cứu, có chính sách đặc thù tạo điều kiện về thuê đất và vay vốn nhằm khuyến khích các DN đầu tư vào sản xuất, liên kết xây dựng chuỗi sản xuất, qua đó tạo đầu ra ổn định cho nông sản, giúp bà con yêm tâm sản xuất.