Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sóc Sơn ưu tiên đầu tư cho các chính sách giảm nghèo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ở phía Bắc Thủ đô, Sóc Sơn là địa phuơng có nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 chiếm 15,04%.

Những năm qua, với sự quan tâm, đầu tư lớn của TP, sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của các cấp, ban, ngành địa phương, đến nay, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực.

 Hiệu quả từ chính sách giảm nghèo

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sóc Sơn lần thứ X, đầu năm 2011, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn đã xây dựng Chương trình số 01-CTr/HU ngày 10/3/2011 về thực hiện Chương trình giảm cơ bản hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015, với mục tiêu đến cuối năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15,04% xuống còn dưới 2,5%. Với nhiều giải pháp đồng bộ được thực hiện, sau gần 5 năm, huyện đã trợ giúp gần 8.500 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15,04% xuống còn 2,1% vào cuối năm 2015, vượt kế hoạch và chỉ tiêu đề ra của nhiệm kỳ.
Đại hội Đảng bộ huyện Sóc Sơn lần thứ XI.
Đại hội Đảng bộ huyện Sóc Sơn lần thứ XI.
Có được kết quả đó, bên cạnh sự chủ động, quyết tâm của huyện, không thể không đề cập tới sự quan tâm lớn của T.Ư và TP Hà Nội. Từ năm 2011 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế, song chính sách an sinh xã hội, nhất là công tác giảm nghèo, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo. Nhiều chính sách mới hỗ trợ cho người nghèo và những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn được ban hành như: Cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; hỗ trợ học phí và chi phí học tập; các chương trình vay vốn; chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Tập trung giải quyết việc làm cho người dân

Huyện Sóc Sơn xác định, xóa đói giảm nghèo là sự nghiệp lâu dài gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, do đó cần kiên trì trong hoạch định chính sách lẫn tổ chức thực hiện. Trong công tác giảm nghèo, việc khơi dậy ý chí tự vươn lên của chính bản thân người nghèo là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đối với các chính sách giảm nghèo, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; có các chính sách giảm nghèo chung, có chính sách giảm nghèo đặc thù cho từng xã, từng nhóm người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội...

Tuy đã đạt được nhiều kết quả, song thẳng thắn nhìn nhận, việc thực hiện giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội của Sóc Sơn vẫn còn những khó khăn, hạn chế, kết quả giảm nghèo còn thiếu bền vững. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, huyện Sóc Sơn kiến nghị TP, ngoài việc triển khai các chương trình hỗ trợ như hiện nay theo hướng tiếp cận với phương pháp giảm nghèo đa chiều, cần ưu tiên mạnh hơn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện, các xã nhiều khó khăn, vùng nông thôn, ngoại thành, đặc biệt là về hạ tầng.

Phát triển các khu, cụm công nghiệp, các loại hình dịch vụ, tăng cơ hội tìm việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn và coi đây là bước đi lâu dài để giải quyết tận gốc vấn đề. Các chính sách giảm nghèo phải thường xuyên được tổ chức rà soát, đánh giá, mang tính hệ thống để người nghèo tiếp cận thuận tiện, hiệu quả hơn. Những chính sách qua thực hiện thấy bất hợp lý phải khẩn trương được sửa đổi, thay thế theo hướng giảm những chính sách hỗ trợ trực tiếp, thay vào đó là những hỗ trợ mang tính bền vững như dạy nghề, giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, do các hộ nghèo hiện chủ yếu ở nông thôn nên cùng với việc tiếp tục duy trì đầu tư cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nói chung, cần tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo sản xuất nông nghiệp.