Sôi động cuộc đua ngân hàng số

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt ngân hàng đã ra mắt dịch vụ ngân hàng số, nâng cấp app thành siêu ứng dụng. Có thể nói, chưa bao giờ cuộc cạnh tranh số hóa giữa các ngân hàng lại mạnh mẽ như hiện nay và dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới.

Khách hàng giao dịch ứng dụng công nghệ số tại BIDV. Ảnh: Thảo Nguyên
Cuộc cách mạng chuyển đổi số
Vừa qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam liên tiếp đón nhận hai sự kiện lớn là Vietcombank ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank, BIDV phát động chiến dịch chuyển đổi số. Cùng với đó, hàng loạt các ngân hàng cũng phát triển thêm và ra mắt dịch vụ tiện ích trên ứng dụng. VCB Digibank ra đời trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến, thay thế các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây của ngân hàng. Còn BIDV iBank cho phép DN có thể quản lý dòng tiền tập trung hiệu quả, dễ dàng quản lý các khoản doanh thu qua hệ thống tài khoản định danh; nâng kết nối trực tiếp với hệ thống kế toán/ERP. Đồng thời thực hiện các giao dịch chuyển tiền trong nước và quốc tế; báo cáo thống kê tài khoản tiền gửi, tiền vay, bảo lãnh, các đơn vị chấp nhận thẻ... Trước đó, tháng 7 vừa qua, Viet Capital Bank triển khai tiện ích mở tài khoản thanh toán thông qua ứng dụng Mobile Banking và khách hàng không phải đến trực tiếp trụ sở ngân hàng để định danh mà vẫn sử dụng hầu hết các giao dịch tài chính trọng yếu…

Nhiều ngân hàng hiện đang xem ngân hàng số là trọng tâm phát triển, vì thế, cạnh tranh số hóa ngày càng gay gắt. Chẳng hạn, OCB đã ra mắt ngân hàng số OCB OMNI, TPBank ra mắt ứng dụng LiveBank, VPBank ra mắt ngân hàng số Yolo sau mô hình Timo, Techcombank chú trọng phát triển trải nghiệm của khách hàng trên ngân hàng trực tuyến, NamA Bank ứng dụng công nghệ robot vào giao dịch nhằm tăng trải nghiệm của người dùng.

Theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán như: Áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc học, sử dụng QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... Người dùng app có thể gửi tiết kiệm, chuyển khoản, thanh toán, đặt khách sạn, mua vé máy bay, vé xe, vé tàu hỏa, vé xem phim, mua thẻ cào điện thoại, thanh toán cho vay tiêu dùng...

Áp lực thay đổi, không thể chậm chân

Chia sẻ với báo chí, Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, mỗi năm TPBank dành khoảng 25 - 30% ngân sách cho công nghệ. Nhưng thành quả có được không chỉ ở câu chuyện “đầu tư bao nhiêu tiền”, mà quan trọng là việc tiếp cận công nghệ nguồn đã được triển khai từ rất sớm và liên tục, cùng với chiến lược về nhân sự, tạo lập quy trình, kinh nghiệm. Còn theo Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Long, trong thời gian tới, thông qua hệ thống BIDV iBank, ngân hàng sẽ cung cấp các giải pháp quản trị tài chính tích hợp với hệ thống ERP của DN với phương thức như Host-to-host/Firm Banking/Ngân hàng mở (Open API); tự động hóa các thao tác xử lý; tăng cường bảo mật trong giao dịch; xác thực số e-KYC; ứng dụng công nghệ Scraping, blockchain trong các giao dịch tài trợ thương mại... Hay như HDBank cho biết, số hóa là giải pháp trọng tâm để đạt các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2020 - 2030 của ngân hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự nỗ lực gia tăng ứng dụng số hóa của các ngân hàng không chỉ nhằm hưởng ứng, đồng hành với chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và NHNN, mà còn là đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ số hóa của khách hàng trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhất là khi dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhận thức và tư duy của nhiều khách hàng đối với việc giao dịch trên nền tảng số.

Khảo sát được công bố gần đây của các công ty thanh toán quốc tế cho thấy, thói quen thanh toán của người tiêu dùng đã thay đổi sau dịch Covid-19. Vì vậy, việc chuyển đổi số của các ngân hàng càng cần thiết hơn bao giờ hết. Số hóa mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho ngân hàng mà cả khách hàng, nhất là tiết kiệm chi phí, bao gồm cả thời gian và tiền bạc. Trong cuộc đua số hóa này, bên cạnh ra mắt các sản phẩm, dịch vụ số, ngân hàng nào xây dựng hệ sinh thái, mạng lưới số tốt sẽ có ưu thế cạnh tranh hơn các đối thủ.
Chuyên gia của Công ty tư vấn quốc tế Ernst & Young (EY) mới đây khuyến nghị, các ngân hàng buộc phải đẩy mạnh số hóa để cạnh tranh quyết liệt với công ty công nghệ tài chính (fintech), ví điện tử sắp tới là Mobile Money và ngay giữa các ngân hàng với nhau. Tuy nhiên, phát triển ngân hàng số phải làm sao vừa tận dụng được những công nghệ mới, đáp ứng được kỳ vọng cao của người tiêu dùng, vừa phòng chống nguy cơ tấn công mạng từ các đối tượng xấu, rủi ro cho ngân hàng và khách hàng.