Không khí vui tươi chào năm mới
Theo Sở VH&TT Hà Nội, 6 đơn vị nghệ thuật của TP thực hiện các chương trình biểu diễn dịp này, gồm Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long cùng Trung tâm Văn hóa TP, Trung tâm Thông tin - Triển lãm TP, mỗi đơn vị sẽ thực hiện từ 2 - 4 chương trình nghệ thuật phục vụ Nhân dân.
Chào mừng Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các đơn vị nghệ thuật sẽ thực hiện 7 buổi biểu diễn. Theo đó, khu vực hồ Hoàn Kiếm có 3 buổi biểu diễn. Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn tại khu vực đền Ngọc Sơn vào đêm Giao thừa (ngày 9/2). Nhà hát Múa rối Thăng Long biểu diễn tại sân khấu phía trước Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh vào đêm Giao thừa (ngày 9/2) và tối mùng 2 Tết Nguyên đán (tức ngày 11/2). Tại các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, mỗi nơi diễn ra 1 buổi biểu diễn ở địa điểm bắn pháo hoa vào đêm giao thừa.
Ngoài ra, dịp này, các quận, huyện, thị xã của Thủ đô cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các điểm công cộng, khu trung tâm, khu đông dân cư, điểm bắn pháo hoa để tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp Nhân dân.
Theo Sở VH&TT Hà Nội, các chương trình nghệ thuật được tổ chức nhằm tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, truyền thống lịch sử, văn hóa; bồi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, góp phần củng cố và bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, đây là hoạt động tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Giữ nét văn hóa truyền thống
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2024 và đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân tổ chức chương trình hoạt động văn hóa mừng Đảng - mừng Xuân chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2024” với nhiều hoạt động đa dạng.
Cùng với việc phỏng dựng các nghi lễ truyền thống như: đoàn rước dâng lễ cửa Đình, lễ cáo yết Thành Hoàng và cúng tổ nghề, lễ dựng cây nêu, từ nay đến 28/2, tại Đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ được trang trí, sắp đặt không gian Tết truyền thống theo chủ đề 12 con giáp...
Dịp này, tại ngôi nhà di sản Mã Mây cũng diễn ra các hoạt động bao gồm: sắp đặt và tổ chức giới thiệu không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa; tổ chức gói và luộc bánh chưng; giới thiệu nghệ thuật gọt, tỉa và chơi hoa Thủy Tiên…
Tại không gian Bích họa phố Phùng Hưng, phường Hàng Mã, từ nay đến ngày 9/2/2024 (30 tháng Chạp năm Quý Mão) các nghệ nhân và thợ thủ công của các làng nghề ở Hà Nội và các vùng lân cận giới thiệu các sản phẩm dân gian truyền thống, như tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ, thư pháp, gốm sứ, mây tre đan, đồ chơi tò he, các sản phẩm mặt hàng OCCOP của quận Hoàn Kiếm phục vụ ngày Tết…
Ở trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cũ Hà Nội từ nay đến ngày 28/2/2024, Ban quản lý trưng bày giới thiệu quá trình trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại các phường trong khu phố cổ Hà Nội: tại Đình Kim Ngân - 42 Hàng Bạc: 11/2/2024 (mùng 2 Tết); Đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào: 12/2/2024 (3 Tết); Trung tâm Văn hóa nghệ thuật - 22 Hàng Buồm: 13/2/2024 (4 Tết); Hội Quán Phúc Kiến - 40 Lãn Ông: 14/2/2024 (5 Tết).