“Soi” sức khỏe tài chính của các ngân hàng tầm trung và nhỏ

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi các ông lớn rầm rộ công bố lợi nhuận nghìn tỷ, khối ngân hàng tầm trung và ngân hàng quy mô nhỏ cũng bắt đầu tiết lộ kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019. Dù không nhiều bứt phá nhưng những con số tài chính khả quan cho thấy sự tăng trưởng ổn định, chất lượng và an toàn của khối ngân hàng này.

Báo cáo tài chính của Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho thấy, trong 9 tháng năm 2019, VIB đạt lợi nhuận sau thuế 2.332 tỷ đồng. Doanh thu của ngân hàng đạt 5.870 tỷ đồng. Doanh thu phí đạt 1.275 tỷ đồng, chiếm 22% tổng doanh thu. Thu nhập khác từ hoạt động thu hồi nợ xấu cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng 519 tỷ đồng, tăng 3%.
Đây cũng là một trong 2 ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng nhà nước công nhận cho áp dụng Basel II từ ngày 1/1/2019. Hiện, VIB đang triển khai quy trình đánh giá an toàn vốn nội bộ nhằm áp dụng toàn diện các trụ cột Basel và chuẩn bị cho quản trị và tính toán tỷ lệ an toàn vốn nâng cao.
 Giao dịch tại VIB
Một cái tên khác cũng ghi nhận lợi nhuận khả quan là ABBank cũng ghi nhận mức lợi nhuận khá khả quan với 856 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tính đến cuối tháng 9/2019; tổng tài sản đạt 91.368 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 91.368 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm và đạt 109% so với cùng kỳ 2018.
Hoạt động kinh doanh của ABBank tính đến hết quý III/2019 ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt so với kết quả 6 tháng. Cụ thể, huy động từ khách hàng đạt 67.656 tỷ đồng, đạt 113% so với cùng kỳ 2018 và đạt 105% so với kết quả 6 tháng 2019. Cho vay khách hàng đạt 52.354 tỷ đồng, đạt 115% so với cùng kỳ 2018 và đạt 105% so với 6 tháng đầu năm 2019; trong đó, tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân và cho vay khách hàng DN vừa và nhỏ - hai nhóm khách hàng mục tiêu của ABBANK lần lượt đạt 107% và 106% so với kết quả 6 tháng năm 2019. Với nhiều chương trình nhằm đẩy mạnh mảng dịch vụ, lãi thuần từ dịch vụ sau 9 tháng của ABBank theo đó đạt 117 tỷ đồng, tương đương 162% so với kết quả 6 tháng đầu năm. Thu nhập từ lãi đạt 1.820 tỷ đồng, bằng 144% mức của 6 tháng 2019 và đạt 117% so với cùng kỳ 2018.
Ông Phạm Duy Hiếu - quyền Tổng Giám đốc ABBank cho biết, đây là kết quả tạo nên từ những hoạt động thúc đẩy kinh doanh, những chiến dịch xây dựng và phát triển đội ngũ trên toàn hệ thống.  Bên cạnh loạt chương trình ưu đãi, các sản phẩm dịch vụ tiện ích để thu hút khách hàng hay các dự án nhằm quảng bá thương hiệu rộng khắp, việc tạo được một tinh thần hăng hái kinh doanh, một môi trường thi đua lành mạnh trong đội ngũ cán bộ nhân viên cùng sự ghi nhận xứng đáng chính là một yếu tố trọng yếu giúp mang lại sự tăng trưởng hiệu quả, bền vững cho ngân hàng.”
Khiêm tốn hơn, trong 9 tháng 2019, lợi nhuận sau thuế của KienLongBank cũng có sự tăng trưởng ở mức 6% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 188 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của KienLongBank trong quý 3 tương đối khả quan, với thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ dịch vụ lần lượt tăng 19% và 35% so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 20%, trong khi kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác có lãi sụt giảm 47% và 35%.
Theo các chuyên gia kinh tế, kết quả kinh doanh quý III là một trong những yếu tố sẽ ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu của các ngân hàng từ nay đến cuối năm. Hiện, một số ngân hàng tầm trung và nhỏ đã có kế hoạch lên sàn trong năm nay. Cụ thể, Nam Á Bank đã thông báo chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch cổ phần trên Upcom, MSB cũng cho biết sẽ niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán năm 2019; ABBank, Việt Á Bank và Seabank cũng cam kết sẽ niêm yết trên TTCK giai đoạn 2019 - 2020. Nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng sẽ có một sóng cổ phiếu ngân hàng vào cuối năm nay để những ngân hàng thương mại trên có thể niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam vào cuối năm 2019.