Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm cải cách các thủ tục

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã rất nỗ lực trong việc triển khai cơ giới hóa (CGH) áp dụng vào sản xuất.

Tuy nhiên, đến nay, chương trình CGH trong nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, nhất là việc áp dụng theo cơ chế hỗ trợ sau đầu tư theo Quyết định 16/2012/QĐ-UBND, về quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016.  

Sớm cải cách các thủ tục - Ảnh 1
 
Cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa tại xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ.Ảnh: Thắng Văn

Cơ giới hóa còn nhỏ lẻ

Hà Nội hiện có hơn 200.000ha đất sản xuất lúa, nhưng, tỷ lệ CGH trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp so với bình quân chung của cả nước. Tính đến tháng 3/2013, Hà Nội có 8.490 máy các loại để thực hiện CGH  trong lĩnh vực trồng trọt, bao gồm các khâu: Làm đất, gieo cấy, tưới nước… CGH hiện đang được áp dụng cho 4 loại cây trồng, gồm: Lúa, rau, hoa, cây ăn quả với tổng diện tích 107.378ha. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp tại Hà Nội hiện mới đạt 0,81 HP (mã lực)/ha canh tác, thấp hơn nhiều con số bình quân chung của cả nước (là 1,12 HP). Tại các khâu như làm đất, gieo cấy, gặt đập, vắt sữa, thái cỏ…, tỷ lệ CGH của Hà Nội đều thấp hơn bình quân chung của cả nước. Cụ thể: Tỷ lệ CGH trong làm đất đạt 69,2%, trong khi cả nước đạt 80%; gieo cấy đạt 7,1%, trong khi cả nước đạt 25%; thu hoạch đạt 7,8%, trong khi cả nước đạt 20%...

Để giải phóng sức lao động, tiến tới hiện đại hóa nền nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực tế trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa. Song, theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, việc đầu tư CGH hiện nay chủ yếu vẫn nhờ vào chính sách khuyến khích của Bộ NN&PTNT hỗ trợ cho mô hình khuyến nông, còn chính sách thí điểm hỗ trợ sau đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, theo Quyết định 16 của UBND TP Hà Nội năm 2012 vẫn chưa áp dụng được.

Thủ tục rườm rà      

                                    

Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, tháng 7/2012, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 16/2012/QĐ-UBND về quy định thí điểm một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012 - 2016. Theo đó, để hỗ trợ người dân mua máy móc CGH nông nghiệp, ngân sách TP hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa 3 năm.

Chính sách là vậy, song quá trình triển khai rất khó khăn, vì thủ tục phức tạp, với nhiều loại giấy tờ phải có xác nhận của chính quyền và các cơ quan liên quan. Ngoài văn bản đề nghị của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, có xác nhận của UBND cấp xã, để được hưởng ưu đãi lãi suất thì cá nhân, tổ chức phải có bản sao hợp lệ: hợp đồng tín dụng, thế chấp tài sản vay nợ, bản kê tính lãi của ngân hàng thương mại, hóa đơn mua máy móc, thiết bị, nhất là phải có hóa đơn VAT (10%). Sau khi hoàn thiện hồ sơ phải nộp cho các Trạm khuyến nông huyện, sau đó Trung tâm Khuyến nông mới tổng hợp báo cáo Sở NN&PTNT… Chính vì thủ tục rườm rà, điều kiện vay vốn khó khăn nên đến thời điểm này, hầu hết nông dân trên địa bàn các huyện muốn đầu tư mua máy CGH nông nghiệp vẫn chưa vay vốn được.

Trong khi đó, kế hoạch dồn điền đổi thửa (DĐĐT) trên địa bàn TP đã gần hoàn thành. Đến nay, toàn thành phố đã DĐĐT được 35.346ha đất nông nghiệp, đạt 181% kế hoạch. Một số huyện làm tốt công tác DĐĐT như Chương Mỹ (7.947ha), Mỹ Đức (6.149ha), Sóc Sơn (5.618ha, Phú Xuyên (5.526ha), Mê Linh (1.832ha)… đang rất nóng lòng muốn đầu tư CGH. Song, do chính sách còn khó áp dụng vào thực tế nên nhiều huyện đã phải chủ động ứng vốn trước cho nông dân mua máy móc. Tại cuộc họp bàn mới đây, hầu hết các địa phương cho rằng, nếu hỗ trợ sau đầu tư theo Quyết định 16, thì việc triển khai CGH khó có thể thực hiện. Do vậy, các huyện đề nghị Sở NN&PTNT có ý kiến cùng các sở, ngành, đề nghị UBDN TP Hà Nội sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời nông dân, để chính sách đi vào cuộc sống.