Thực trạng đó khiến sau hơn 25 năm đổi mới, đến nay, dường như việc đổi mới các DNNN vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Chi phối quá lớn
Tại Hội thảo "Đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện CSHNN đối với DNNN và phần vốn Nhà nước tại DN" tổ chức ngày 10/12 tại Hà Nội, các chuyên gia nhận định, những "lình xình" gần đây chứng tỏ hiệu quả kinh tế tại DNNN ngày càng yếu hơn so với khu vực tư nhân hoặc DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 1.300 DN 100% vốn Nhà nước, gồm trên 250 DN là công ty mẹ và công ty con của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91, trên 350 DN độc lập thuộc bộ và trên 700 DN thuộc UBND tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, tổng vốn kinh doanh của DNNN chiếm tới 32% tổng vốn kinh doanh của các DN trong cả nước, với gần 3,5 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Chi Lan, số vốn kinh doanh dù khổng lồ này vẫn chưa phản ánh đầy đủ nguồn lực sở hữu mà Nhà nước đang quản lý và sử dụng: Đất đai, nhà xưởng, hầm mỏ, khoáng sản, cảng biển, sân bay, cầu đường, phương tiện vận tải, KCN, khu kinh tế… Khối tài sản to lớn này chưa được quản lý chặt chẽ, thất thoát và tham nhũng nhiều cũng có nguyên nhân từ đây.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, cần có luật riêng về quản lý, giám sát. Trong ảnh: Công nhân thi công dự án lắp cáp, mở rộng trạm biến thế 110KW Khu công nghiệp Thăng Long 2, Hà Nội.Ảnh: Hà Ngọc
Đồng quan điểm này, PGS - TS. Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, tỷ trọng DNNN trong GDP ở các nước chỉ 5 - 6% còn ở Việt Nam quá lớn. Nên khi các thành phần này "hắt hơi sổ mũi" cũng khiến sức khỏe nền kinh tế lập tức bị ảnh hưởng tiêu cực. Dù Nhà nước đã nhận thức được khiếm khuyết của mô hình cũ và chủ trương tách chức năng CSHNN với chức năng quản lý trong DNNN nhằm phù hợp với cam kết WTO, song đến nay vẫn chưa đạt kết quả mong muốn. Nguyên nhân trước hết là chưa có thay đổi căn bản trong tư duy về DNNN nên vẫn có phân biệt đối xử giữa DNNN với DN ngoài Nhà nước, còn cơ chế xin - cho. Đặc biệt, chưa có sự đồng thuận của một bộ phận cán bộ cơ quan Nhà nước vì bị mất quyền, giảm lợi…
Từ năm 2003, khi có Luật DNNN, tổ chức thực hiện chức năng CSHNN tại DNNN theo mô hình "phân tán" (đối với công ty Nhà nước và công ty TNHHMTV do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập) hoặc "tập trung" (với công ty Nhà nước và công ty TNHHMTV do Bộ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập). Tuy nhiên, chính việc giao các cơ quan hành chính, thậm chí là nhiều cơ quan quản lý cùng thực hiện chức năng đại diện CSH đối với công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế và tổng công ty do Thủ tướng quyết định thành lập mà không có đầu mối thực hiện đã làm giảm hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với DNNN, tạo "sân chơi" không bình đẳng giữa các loại hình DN.
Đồng bộ các giải pháp bằng luật
Trên cơ sở thực tế tại các DNNN, CIEM đề xuất 4 mô hình tổ chức thực hiện chức năng CSHNN. Tuy nhiên, theo CIEM, mô hình phù hợp nhất là sẽ thành lập cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ CSHNN thuộc Chính phủ để thực hiện quyền, nghĩa vụ CSHNN đối với các công ty TNHHMTV và phần vốn Nhà nước tại các DN là công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ CSHNN sẽ được tổ chức dưới hình thức Ủy ban Quản lý giám sát DNNN để đảm bảo quyền quản lý, giám sát toàn diện các tập đoàn, DNNN quy mô lớn, hoạt động trên nhiều địa bàn và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Dây chuyền sang chiết thành phẩm tại Công ty Thăng Long Gas.Ảnh: Huy Hùng
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, số vốn ở các DNNN do T.Ư quản lý chiếm tới 91,36% tổng vốn kinh doanh của các DNNN nên việc đổi mới mô hình CSHNN cần thực hiện trước hết và chủ yếu ở cấp T.Ư. Quá trình đổi mới mô hình này cũng cần đồng bộ với các biện pháp cơ cấu lại khu vực DNNN theo hướng giảm dần số DNNN, ngành nghề lĩnh vực có sự hiện diện của DNNN. Đáng chú ý, TS Phạm Chi Lan đề xuất, để có cơ sở mạnh hơn cho mô hình CSHNN, cần có riêng luật về quản lý, giám sát hoạt động DNNN, và chấm dứt mọi thiên vị, đặc quyền dành cho DNNN trong phân bổ nguồn lực quốc gia, kể cả quyền kinh doanh.
“Dù chọn mô hình nào để thực hiện chức năng CSHNN tại DNNN, quan trọng nhất vẫn là có cơ chế cho các cán bộ giám sát quá trình này hoạt động công tâm và phát huy được tài năng, với cơ chế lương không theo kiểu công chức mà theo cơ chế cho người kinh doanh vốn Nhà nước và bảo toàn vốn thực sự. Đặc biệt, với các điều kiện ở Việt Nam, nên chăng tỷ lệ đóng góp của các DNNN trong GDP nên giảm về 10%, thay vì con số quá lớn như hiện nay. Nếu cứ để tồn tại vài ngàn DNNN mà đưa về một cơ quan đầu mối quản lý thì không thể quản hết.” - Bà Lê Thị Hoa Ủy viên Hội đồng quản trị Vietcombank |