Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm có giải pháp đồng bộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực trạng các công trình thủy lợi lạc hậu, xuống cấp, ảnh hưởng đến công tác tưới tiêu trên địa bàn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Sớm có giải pháp đồng bộ - Ảnh 1
Ông Mỹ cho biết, hệ thống thủy lợi trên địa bàn Hà Nội bao gồm hai yếu tố cấu thành, đó là hệ thống đê kè và hệ thống thủy lợi. Hệ thống đê kè của Hà Nội khá dài với khoảng 600km, trong đó đê cấp I, cấp II tương đối an toàn; đê cấp III, cấp IV do diễn biến của lòng sông dẫn đến xói mòn, sạt lở rất nhiều. Hàng năm, Bộ NN&PTNT và TP Hà Nội có đầu tư nhưng nguồn vốn rất hạn chế.Riêng hệ thống thủy lợi, toàn TP hiện có 1.918 trạm bơm với tổng số 4.334 máy bơm các loại. Tuy nhiên, do hệ thống cũ, máy móc có những cái được đầu tư từ những năm 60 của thế kỷ trước nên công năng hoạt động kém, hao tốn điện và gây thất thoát nước. Bên cạnh đó, hệ thống kênh tiêu không đảm bảo cho công tác thoát lũ.

Trước thực trạng cũ kỹ, lạc hậu của các trạm bơm cũng như sự xuống cấp của nhiều tuyến đê, TP đã đầu tư, cải tạo như thế nào, thưa ông?

- Sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP đã quan tâm đáng kể để hệ thống thủy lợi của Hà Nội được cải tạo, nâng cấp, phục vụ kịp thời hơn. Kinh phí mà Hà Nội đầu tư cho hệ thống thủy lợi hàng năm khoảng 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên năm nay, nguồn vốn hạn hẹp, con số này chỉ còn 380 tỷ đồng. Với số vốn như vậy, ngành nông nghiệp chỉ đủ kinh phí để trả nợ những công trình đã hoàn thành mà không thể tiếp tục triển khai các công trình dở dang. Ngoài ra, vốn của Bộ NN&PTNT năm nay chi cho Hà Nội là 340 tỷ đồng, chủ yếu dành cho các dự án lớn như dự án cải tạo sông Tích, nạo vét cải tạo sông Đáy, duy tu đê điều...

Chính vì vậy, một số dự án cải tạo trạm bơm, nâng cấp đê điều phải giãn tiến độ như: Dự án tu bổ nâng cấp đê bao hữu Bùi, huyện Chương Mỹ; Nâng cấp Trạm bơm Đan Hoài, huyện Đan Phượng; Cải tạo nâng cấp Trạm bơm Xém, huyện Thường Tín; Cải tạo nâng cấp Trạm bơm Đào Xá, huyện Phú Xuyên; Cải tạo nâng cấp kênh tiêu T5, huyện Hoài Đức; Cải tạo, nạo vét sông Giàng, huyện Gia Lâm; Cải tạo, nâng cấp Trạm bơm tiêu Săn, huyện Thạch Thất.

Vậy theo ông, có dự án quan trọng nào cần đầu tư cấp bách?

- Có 3 dự án trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ là: Cụm công trình đầu mối Liên Mạc; Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; Cải tạo, nâng cấp Trạm bơm Đông Mỹ. Ngoài ra, còn có dự án cải tạo cụm công trình đầu mối Liên Mạc. Đây là các công trình có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho cả nội đô, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời là công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2011 - 2015. Hiện, dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa mới được đầu tư 50 tỷ đồng, Trạm bơm Đông Mỹ 4 tỷ đồng, dự án nạo vét sông Nhuệ 70 tỷ đồng và cống Liên Mạc 1 tỷ đồng. Trong đó, dự án nạo vét sông Nhuệ là vốn trái phiếu Chính phủ, 3 dự án còn lại là vốn ngân sách TP.

Để nâng cao hiệu quả cho hệ thống thủy lợi và giảm thiểu các thiệt hại do mưa bão gây ra, theo ông, các cấp, ngành, đơn vị cần phải làm gì?

- Đây là một việc lớn, có liên quan đến nhiều cấp, ngành, đơn vị, địa phương. Do vậy, để đảm bảo cho hệ thống thủy lợi trên địa bàn Hà Nội hoạt động, đáp ứng  nhiệm vụ tiêu thoát nước cho mùa mưa bão năm nay, chúng tôi đề nghị Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) chỉ đạo các địa phương thực hiện việc vận hành các công trình tiêu úng trong hệ thống theo đúng quy định; vận hành các trạm bơm tiêu hỗ trợ cho hệ thống sông Nhuệ khi mực nước sông Nhuệ ở mức cao. Bên cạnh đó, nghiên cứu giải pháp tiêu thoát nước hệ thống sông Ngũ Huyện Khê qua Cống Long Tửu khi mực nước sông Cầu lên cao, mực nước sông Đuống ở mức thấp.
 
Nhiều hạng mục của Trạm bơm Tân Hưng đã xuống cấp, hư hỏng. 	Ảnh: Lâm Nguyễn
Nhiều hạng mục của Trạm bơm Tân Hưng đã xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: Lâm Nguyễn

Đối với TP, chúng tôi đề nghị UBND TP bố trí kinh phí bổ sung kế hoạch vốn năm 2014 để thực hiện các dự án thủy lợi chuyển tiếp. Chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp các công ty thủy lợi đẩy nhanh việc triển khai cắm mốc giới các công trình thủy lợi, đặc biệt hệ thống trục chính sông Nhuệ. Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã phối hợp với các công ty thủy lợi trong việc phổ biến, tuyên truyền ý thức bảo vệ các công trình thủy lợi cho người dân. Giao Tổng Công ty Điện lực Hà Nội chỉ đạo các công ty điện lực các quận, huyện, thị xã tập trung kiểm tra, sửa chữa các tuyến đường dây cao thế, trạm biến áp các trạm bơm, đảm bảo chất lượng điện ổn định liên tục cho các trạm bơm vận hành đạt hiệu quả.

Ngoài ra, các công ty thủy lợi trên địa bàn Hà Nội cần phối hợp với chính quyền địa phương nhằm quản lý và thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng, cải tạo nâng cấp các công trình thủy lợi, đảm bảo vận hành tốt phục vụ sản xuất và tiêu úng.

Xin cảm ơn ông!