Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm có hệ thống cảnh báo ùn tắc

Đinh Thành Trung (Thụy Khuê, Tây Hồ)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chục năm trở lại đây, tình trạng UTGT đã trở thành vấn đề nóng ở các đô thị lớn nói chung và Hà Nội nói riêng.

Mặc dù các đơn vị chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý vấn đề này, tuy nhiên, UTGT vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.
Ùn tắc tăng cao vì “đói” thông tin
Theo giới chuyên môn, có nhiều yếu tố khiến UTGT ngày càng diễn biến phức tạp. Trong đó, hạ tầng xuống cấp, ý thức kém của người tham giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Phố Thụy Khuê là một điển hình. Đây là đường hai chiều, nhưng lòng đường lại khá hẹp. Nếu mỗi chiều chỉ có một hàng ô tô đi sẽ rất ít khi xảy ra tắc đường (còn ùn ứ thì tất nhiên). Tuy nhiên, một số lái xe ô tô lại cố chen vào bên phải, lấn hết đường của người đi xe máy khiến mức độ ùn tắc tăng lên gấp bội. Đó là thực trạng đã và đang diễn ra trên nhiều tuyến đường khác ở Thủ đô.

Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân vào giờ cao điểm.  Ảnh: Phạm Hùng

Có thể khẳng định, ý thức giao thông kém chính là nguyên nhân lớn dẫn đến ùn tắc. Giải quyết vấn đề này không chỉ trong ngày một, ngày hai mà cần thời gian dài để hình thành lại ý thức giao thông của một thế hệ mới. Còn với thế hệ hiện tại, biện pháp phạt nghiêm, phạt mạnh, đánh thẳng vào túi tiền của người tham gia giao thông có lẽ khả thi nhất. Thế nhưng, trong khi chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, lực lượng chức năng lại chưa thể bao quát hết vi phạm, chưa nói đến việc nhắc nhở các hành vi gây ùn tắc. Việc cấp thiết trước mắt là làm sao phải “thông” ngay tình trạng ùn tắc thường xuyên, kéo dài ở nhiều tuyến phố trong nội thành. Và việc đầu tiên là phải giải tỏa được không gian ở trung tâm vụ ùn tắc để khơi thông dòng xe cộ, cùng lúc phải ngăn được dòng phương tiện từ các nơi khác kéo về nơi xảy ra ùn tắc.
Giải pháp tình thế
Thực tế cho thấy, nguyên nhân làm tăng độ nghiêm trọng của UTGT chính là dòng người lưu thông “lực bất tòng tâm” khi biết mình đang trong một đoạn ùn tắc, và cũng chính họ không biết con đường mình đang di chuyển đã và sẽ ra sao. Để khắc phục tình trạng “mù” thông tin, hiện nay, cũng có một số giải pháp được đưa ra như: Dùng google map cảnh báo ùn tắc hay thông báo ùn tắc trên đài phát thanh. Các biện pháp này ít nhiều có tác dụng, nhưng đều có nhược điểm là độ “phủ sóng” và sức lan tỏa không rộng và không tác động đến đúng đối tượng cần thiết để chống ùn tắc (người tham gia giao thông trực tiếp gây ra ùn tắc).
Như vậy, nếu có thể hạn chế tình trạng “đói” thông tin về ùn tắc của người tham gia giao thông, chúng ta có thể giảm bớt một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc. Trên thế giới, một số quốc gia phát triển đã hình thành hệ thống thông tin cho người tham gia giao thông. Điển hình là ở London (Anh), nhà chức trách nơi đây đã xây dựng công cụ lên kế hoạch hành trình online (Journey Planner), giúp đưa ra những lời khuyên tức thời về các chặng đường trong TP, cho phép người dùng lựa chọn phương tiện di chuyển khác nhau. Từ các thông tin cụ thể được cung cấp, lái xe sẽ tránh được ùn tắc và nếu có sự cố xảy ra ở một đoạn đường nào đó, sẽ được giải tỏa nhanh chóng.
Còn ở Việt Nam hiện nay, giải pháp xây dựng hệ thống thông tin hiện đại như vậy cũng có thể làm được, nhưng cần phải có thời gian để tích lũy nguồn lực. Trước mắt, Hà Nội có thể áp dụng biện pháp đơn giản nhất là cảnh báo bằng biển ở đầu mỗi đoạn đường. Giả sử nếu ùn tắc xảy ra ở một đoạn đường, thì người tham gia giao thông sẽ căn cứ vào biển để quyết định không cố đi vào đoạn đường đang ùn tắc. Khi đó, người dân sẽ có thể sang đường khác, hoặc đợi một thời gian đến khi biển báo hết ùn tắc. Giải pháp này có vẻ mang tính đối phó, nhưng nếu làm được sẽ là liều thuốc tức thời hiệu quả cho căn bệnh ùn tắc ở Hà Nội.