Đặc biệt, với những nghề kỹ thuật cao, lao động ASEAN sẽ chiếm thị phần lớn. Đồng thời, nhiều học sinh của Việt Nam muốn làm việc cho các nước trong khu vực ASEAN cũng có thể sang đó học, hay học ở Việt Nam nhưng sẽ sang nước khác làm việc. Như thế, số đông những người lao động tay nghề thấp sẽ ở lại Việt Nam, đồng nghĩa với thất nghiệp và năng suất lao động thấp.
Trước tình hình trên, TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng, điều quan trọng nhất là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường đào tạo người học có kỹ năng, kiến thức tốt đương nhiên sẽ được DN sử dụng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. “Luật Giáo dục nghề nghiệp đã ban hành, nhưng để có đầy đủ các công cụ pháp lý thì phải một vài năm nữa. Vì thế, các trường cần chủ động nâng chất lượng, đi tắt đón đầu. Đặc biệt, có sự hợp tác với các cơ sở đào tạo nước ngoài cũng như tìm hiểu nhu cầu và mục tiêu của họ”. Theo ông Khánh, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ giáo viên phải đáp ứng mục tiêu đặt ra. Riêng trong vấn đề quản lý Nhà nước, việc xây dựng khung trình độ quốc gia phải tương ứng với khung tham chiếu trình độ ASEAN; sau đó ban hành các bộ kỹ năng làm căn cứ cho các trường. Từ đây, sẽ tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề trong 5 - 10 năm tới, các bậc trình độ, chuẩn kỹ năng của từng nghề.
Bên cạnh đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp ghi rõ vai trò của các DN trong đào tạo, nhưng chưa có ràng buộc, vì thế cần có văn bản pháp quy chi tiết hơn. Ví dụ, giáo viên của DN về dạy ở trường nghề thì phải làm gì và được hưởng quyền lợi. Nhà trường phải chủ động đưa giáo viên đến DN; giáo viên của DN chủ động đến với nhà trường. “Trong bối cảnh hội nhập, vai trò quản lý của Nhà nước vô cùng quan trọng. Ngay từ bây giờ, Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Dạy nghề cần ban hành một số văn bản hướng dẫn các trường định hướng làm như thế nào, quyền hạn đến đâu. Và sớm đưa Luật Giáo dục nghề nghiệp vào cuộc sống” - ông Khánh kiến nghị.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|