Nếu thực hiện thành công, TP sẽ triển khai nhân rộng ra nhiều tuyến phố khác. Theo Công ty Đô thị phát triển bền vững (đơn vị tư vấn), trục QL6 đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ba La có chiều dài khoảng 8,5km bao gồm các tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung (quận Hà Đông). Trên tuyến có 14 điểm giao cắt lớn, trong đó có 6 nút đèn chỉ huy giao thông, 3 cầu dành cho người đi bộ sang đường. Đây là trục đường huyết mạch, cửa ngõ phía Tây Nam Thủ đô, có vai trò quan trọng kết nối giao thông giữa khu vực nội thành và khu vực Hà Nội mở rộng. Vì vậy, trên tuyến thường xuyên có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao với nhiều loại hình phương tiện như xe buýt, ô tô, xe máy, xe đạp, tương lai có đường sắt trên cao… Cụ thể, theo số liệu đếm xe, mỗi giờ trung bình có từ 8.000 - 11.500 lượt xe lưu thông. Để bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến, thời gian qua, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp như tạo làn đường dành riêng cho xe buýt, làm cầu vượt cho người đi bộ, lắp đặt đèn tín hiệu, biển báo giao thông… nên tình trạng ùn tắc và TNGT đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình giao thông trên tuyến vẫn còn phức tạp do lưu lượng giao thông ngày một tăng cao và tình trạng các dòng phương tiện lưu thông đan xen hỗn hợp gây nhiều xung đột, đặc biệt là khu vực đường Nguyễn Trãi.
Để giải quyết tình trạng trên, góp phần thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014”, Sở GTVT Hà Nội đã chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện Đề án "Tổ chức giao thông và Chỉnh trang tuyến QL6" để trình UBND TP phê duyệt. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở GTVT hiện đã yêu cầu đơn vị tư vấn lập đề án phải đạt được các mục tiêu: Đảm bảo giao thông thuận lợi, an toàn, trật tự và văn minh hơn phương án hiện nay; nâng tốc độ và đảm bảo vận hành, an toàn cho xe buýt; khi triển khai phải kết hợp chỉnh trang đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, đảm bảo trật tự, văn minh đô thị; đặc biệt, phải tăng khả năng kết nối giữa các phương tiện vận tải hành khách công cộng trước mắt và lâu dài. Do đó, giải pháp được đưa ra gồm: Tổ chức phân làn giao thông rõ ràng giữa ô tô với các phương tiện xe máy, xe đạp… Cải tạo, nâng cấp vỉa hè; cải tạo hệ thống cống ga, phương án bố trí cột điện, cây xanh, biển quảng cáo. Đặc biệt, phải đảm bảo sự tiếp cận cho người đi bộ, người khuyết tật đến các điểm dừng đỗ xe buýt, sang đường… Theo Chánh Thanh tra Sở GTVT Nguyễn Hoàng Giáp, việc tổ chức lại giao thông trên tuyến là hết sức cần thiết, tuy nhiên, bài toán đặt ra là phải giải quyết được vấn đề chuyển làn của các phương tiện khi đến điểm quay đầu xe. Bởi nếu làm không tốt rất dễ gây UTGT. Vì vậy, đơn vị tư vấn phải tính toán kỹ nội dung này. Còn theo Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Xuân Tân, việc tổ chức giao thông và chỉnh trang trục đường này đang là việc làm cấp bách. Do đó, ngay trong các ngày tới, yêu cầu đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện đề án, trong đó phải làm rõ phương án cắt, xén nút như thế nào cho phù hợp; vỉa hè phải bảo đảm dài 700m mới làm điểm mở để người đi bộ qua đường, trong đó phải kết nối với với các cầu đi bộ hiện có và các nhà ga đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông trong tương lai. Về chỉnh trang đô thị, yêu cầu các phòng, ban phối hợp với Sở Xây dựng triển khai thay ngay các cây không đúng chủng loại cây đô thị; tháo dỡ ngay 32 cột điện nghiêng, xuống cấp; thu hồi toàn bộ biển báo sai phép, trái phép lắp đặt trên tuyến… Trên cơ sở những nội dung cần thực hiện, Ban QLDA Duy tu Hạ tầng Giao thông và đơn vị tư vấn dự kiến phối hợp, phân công cho các sở, ngành có liên quan và các phòng, ban thuộc Sở GTVT để tổ chức thực hiện. Trong nội dung phương án phân công, cần xác định danh mục dự án, nguồn vốn triển khai thực hiện trong giai đoạn trước mắt và các năm tiếp theo. Việc tổ chức lại giao thông và chỉnh trang đô thị trục QL6 được Sở GTVT xác định là công việc trọng tâm của năm 2014, phấn đấu hoàn thành vào tháng 10 để chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân nằm trong trục QL6 là đoạn đường huyết mạch phía Tây Nam của Thủ đô. Ảnh: Phạm Hùng |