Theo báo cáo của Sở Tư pháp, Hà Nội hiện có 103 tổ chức hành nghề công chứng với 10 Phòng công chứng Nhà nước, 93 văn phòng công chứng (VPCC), 341 công chứng viên tại 30 quận, huyện, thị xã. Về quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP đã vượt 8 VPCC so với "Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đến 2015 Hà Nội có 95 VPCC, thời điểm ban hành Quy hoạch thì Hà Nội đã có 103 VPCC). UBND TP đã chỉ đạo khắc phục theo hướng chuyển các VPCC ở các quận hiện nay đang thừa số lượng theo quy hoạch sang các quận được quy hoạch thành lập tổ chức hành nghề công chứng giai đoạn 2016 - 2020.
Trả kết quả hồ sơ tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Ảnh: Hải Linh
|
Thành lập vào cuối năm 2011, qua hai năm hoạt động, Hội Công chứng TP Hà Nội đã phối hợp với Sở Tư pháp triển khai các hoạt động tổ chức tập huấn cho các công chứng viên, trưởng VPCC, đặc biệt là các văn phòng mới thành lập. Trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng, Sở Tư pháp đã thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đối với 80 tổ chức hành nghề công chứng để kiểm tra việc chấp hành pháp luật công chứng, pháp luật thuế và pháp luật lao động. Thanh tra Sở Tư pháp đã tổ chức 10 cuộc thanh tra đối với 65 tổ chức hành nghề công chứng, ban hành 11 quyết định xử phạt đối với 11 tổ chức, cá nhân với số tiền 31 triệu đồng.
Liên quan đến Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị Dự thảo luật bổ sung một số nội dung nhằm tháo gỡ vướng mắc trên thực tế như: Quy định nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng; tiêu chuẩn của công chứng viên; về chuyển đổi Phòng công chứng sang VPCC, điều kiện chuyển nhượng VPCC; làm rõ cơ chế liên thông giữa công chứng và cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà; quy định các lĩnh vực bắt buộc công chứng; quy định cụ thể trong Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp công chứng… Sở Tư pháp cũng nhất trí với đề xuất cho phép công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng nhận bản dịch song để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực tế về công tác chứng thực bản dịch cần quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức hành nghề dịch thuật, người dịch và công chứng viên chứng nhận bản dịch. Ngoài ra, theo Sở Tư pháp, không nên quá cứng nhắc trong việc quy định độ tuổi mà căn cứ vào sức khoẻ, sự minh mẫn để xét điều kiện làm công chứng viên. Bên cạnh đó, đề nghị cho thành lập các Hội công chứng tại các địa phương để đáp ứng yêu cầu công việc.