Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm khắc phục để đảm bảo thời vụ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã hết thời vụ tốt nhất cho gieo cấy lúa xuân, song do vướng mắc trong công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) nên một số xã trên địa bàn huyện Quốc Oai vẫn chưa hoàn thành gieo cấy.

 Trước tình hình này, ổn định tư tưởng cho người dân, không để trống diện tích gieo cấy là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra cho các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Quốc Oai.

 Nhiều diện tích “trắng”

Trong khi nhiều nơi khác đang bước vào thời kỳ chăm sóc lúa xuân thì hầu hết những cánh đồng của các thôn Cổ Hiền, Liên Trì, Độ Lân của xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai vẫn chưa được "phủ xanh". Người dân trong thôn đứng ngồi không yên vì thời vụ cứ dần trôi qua. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, do bức xúc vì quy trình thực hiện DĐĐT của xã chưa hợp lý nên người dân không nhận ruộng. Ruộng chưa giao hết, các hộ dân chưa thể gieo cấy vụ xuân 2014.
Một số thửa ruộng ở thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu chưa cấy được vì mặt ruộng lún sau DĐĐT.                                 Ảnh: Bình Minh
Một số thửa ruộng ở thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu chưa cấy được vì mặt ruộng lún sau DĐĐT. Ảnh: Bình Minh
 Bà Nguyễn Thị Nội, thôn Cổ Hiền có gần một mẫu ruộng chia sẻ: "Đến nay, gia đình tôi chưa cấy được ít nào nên rất sốt ruột vì thu nhập chủ yếu trông chờ vào đồng ruộng". Lý do mà nhiều người dân thôn Cổ Hiền chưa nhận ruộng là do trong quá trình DĐĐT, xã Tuyết Nghĩa đã "cắt" 13 mẫu đất ruộng của thôn ở xứ đồng Quèn Dưới để giao cho thôn Đại Đồng. Hơn nữa, quy trình thực hiện DĐĐT chưa được bàn bạc dân chủ, công khai nên nhiều người dân chưa hiểu rõ. Việc quy hoạch các quỹ đất tiểu thủ công nghiệp, đất đấu giá... cũng chưa lấy ý kiến thống nhất của người dân. Thậm chí, theo ông Hoàng Văn Chuyền - cán bộ Tiểu ban DĐĐT của thôn Cổ Hiền, bản thân một số thành viên trong Tiểu ban cũng thấy cách làm của xã là chưa thỏa đáng.

Tổng diện tích thực hiện DĐĐT của xã Tuyết Nghĩa là 348ha. Toàn xã đã cơ bản hoàn thành đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng giai đoạn 1, tổ chức cho 4 thôn bốc thăm và đang tiến hành giao ruộng ngoài thực địa gồm: Đại Đồng, Đông Sơn, Muôn, Ro. Trong đó, đã giao ruộng cho Nhân dân 4 thôn được 100ha, đạt hơn 28%. Tuy nhiên, diện tích ruộng người dân đã nhận và cấy lúa xuân rất thấp, chỉ 24ha, đạt 6,89%.

Tại thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, đến nay, một số diện tích người dân vẫn chưa thể cấy được vì sâu, trũng do quá trình DĐĐT gây ra. Nhiều hộ gia đình phải bỏ ra một khoản tiền lớn để san lấp ruộng, thậm chí phải bỏ trắng ruộng. Chị Lê Thị Lý, đội 2, thôn Cấn Hạ có 7 sào ruộng, trong đó có tới 4 sào là ruộng sâu, chia sẻ: “Ngoài 5 triệu đồng bỏ ra thuê máy xúc san ủi mặt ruộng, chục ngày nay, 4 lao động của gia đình tôi chỉ tập trung vào san lấp ruộng nhưng đến giờ vẫn chưa cấy xong”. Cùng tâm trạng lo lắng, chị Đỗ Thị Thu, ở đội 3 tâm sự: “Nhà tôi có một mẫu ruộng thì mất tới gần 2 sào không cấy được do bị lấy đất quá sâu, nước ngập cả máy cày". 

Chủ quan, thiếu linh hoạt

Theo đại diện UBND xã Cấn Hữu, thôn Cấn Hạ có tổng diện tích đất nông nghiệp 167ha với 382 hộ, 1.558 nhân khẩu. Trước khi thực hiện DĐĐT, thôn Cấn Hạ có 5.730 thửa, bình quân 15 thửa/hộ. Tổng diện tích giao cho các hộ xã viên theo Nghị định 64 là 119,73ha. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Khải - Phó Bí thư Đảng ủy xã Cấn Hữu cho biết, xã đã tiến hành giao ruộng thực địa cho các hộ xã viên dựa trên bản đồ và kết quả các lần gắp phiếu bốc thăm. Trên thực tế, khi giao ruộng ngoài thực địa, mặt bằng ruộng hoàn toàn có thể canh tác bình thường vì sau khi lấy đất làm đường, xã tiến hành thuê máy móc về ủi và san lấp ruộng cho bà con. Tuy nhiên, việc thực hiện san lấp trên nền đất khô nên khi có nước vào, mặt ruộng lún khiến một số diện tích không cấy được lúa do ngập quá sâu, nhưng diện tích đó không lớn. Thời gian qua, xã đã nhận 47 đơn thư của người dân yêu cầu được hỗ trợ.

Đến nay, xã Tuyết Nghĩa còn 3 thôn Cổ Hiền, Liên Trì, Độ Lân chưa tổ chức cho người dân bốc thăm chia ruộng. Theo Huyện ủy Quốc Oai, người dân cơ bản đồng tình với chủ trương DĐĐT, song chưa đồng tình với phương pháp, cách làm của cơ sở nên không bốc thăm nhận ruộng, ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất. Nguyên nhân của tồn tại hạn chế trên là do trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo từ xã đến thôn, các HTX ở Tuyết Nghĩa có nơi còn chủ quan, thiếu linh hoạt. Trong phương pháp và cách làm, chỉ đạo còn thiếu quyết liệt. Đặc biệt, một số cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu và một số vấn đề bức xúc, kiến nghị của Nhân dân chưa được xem xét giải quyết phù hợp.

Khi thời vụ ngày càng đến giai đoạn nước rút, ngày 17/2, nhiều hộ dân thôn Cổ Hiền đã ra đồng làm mạ để gieo cấy. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không cho sản xuất trên các diện tích chưa được giao ruộng. Còn tại các diện tích đã được giao lại nảy sinh tranh chấp giữa “chủ cũ” và “chủ mới”. Người dân thôn Cổ Hiền đề nghị chính quyền xã khi tiến hành DĐĐT nên giữ nguyên diện tích đã chia cho các thôn theo Nghị định 64, tránh để xáo trộn. Đồng thời thực hiện lại quy trình DĐĐT đảm bảo dân chủ, đồng thuận trong Nhân dân.

Phấn đấu cấy xong trước 20/3

Trước thực tế trên, xã Cấn Hữu đã phối hợp với doanh nghiệp, tiến hành san lấp, khắc phục các thửa ruộng để cho người dân cấy kịp thời vụ. Hiện, xã đã giải quyết xong hoàn toàn các trường hợp đơn thư với diện tích 44ha, trong đó có 4 hộ (với diện tích gần 2 mẫu) chuyển ruộng sang địa điểm khác. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Quang Khải - với những hộ có diện tích ruộng bị lấy đất quá sâu (vượt quá tầng đất màu), xã yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm giải quyết, đền bù thỏa đáng cho người dân, thống nhất để 110 hộ được hưởng mức hỗ trợ sản lượng 1 tạ thóc/sào/vụ; hỗ trợ cải tạo mặt bằng từ 500.000 – 700.000 đồng/sào. "Xã đã yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ bà con 1 vụ xuân (chậm nhất đến 6/2014) và đến cuối năm 2014 sẽ tiếp tục san lấp ruộng cho bà con" - ông Khải cho biết. Đến thời điểm này, thôn Cấn Hạ cơ bản hoàn thành việc gieo cấy vụ xuân, chỉ còn khoảng 1 mẫu chưa cấy kín, trong đó, có hơn 4 sào ruộng sâu không thể cấy được và 6 sào ruộng san lấp muộn.

Tại xã Tuyết Nghĩa, mong muốn của người dân hiện nay là sớm có giải pháp để kịp hoàn thành thời vụ. Đây là mong muốn hoàn toàn chính đáng bởi người nông dân chỉ biết trông chờ vào đồng ruộng. Ông Đặng Văn Tùng – Chủ tịch UBND xã Tuyết Nghĩa cho biết, xã đã đối thoại với người dân để đưa ra hướng giải quyết. Trước mắt, xã vận động người dân thực hiện cấy ở những khu ruộng có điều kiện, còn lại chuyển sang trồng màu. HTX Nông nghiệp Tuyết Nghĩa cũng tổ chức gieo mạ tập trung cho người dân từ ngày 11/3.

Huyện ủy Quốc Oai cũng chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Tuyết Nghĩa từ xã đến thôn tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân bốc thăm nhận ruộng để sản xuất vụ xuân 2014 trong khung thời vụ tối thiểu còn cho phép, phấn đấu cấy xong trước 20/3, tuyệt đối không để diện tích trồng lúa trước đây bị bỏ hoang. Những nơi đã tổ chức cho người dân bốc thăm, tập trung giao ruộng để triển khai sản xuất. những nơi chưa tổ chức bốc thăm, tập trung xây dựng phương án để bốc thăm và giao ruộng cho Nhân dân. Trường hợp nơi nào không thể tổ chức bốc thăm, giao ruộng chính thức cần giao ruộng tạm thời để các hộ dân tổ chức sản xuất vụ xuân 2014 đảm bảo đời sống. Việc bốc thăm chính thức được triển khai sau khi thu hoạch vụ mùa 2014.