Sớm xây dựng chương trình phát triển nguyên liệu gỗ quốc gia

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành gỗ Việt Nam vẫn có tiềm năng rất lớn để phát triển. Tuy nhiên, rất cần có sự tham gia đồng bộ của cả 3 trục: Chính phủ, hiệp hội – doanh nghiệp và người dân.

Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, khi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị bàn giải pháp khôi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch Covid-19, tổ chức ngày 15/5.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, dịch Covid-19 là thử thách đối với ngành nông nghiệp nói chung, lâm nghiệp nói riêng. Thách thức lớn đã phá vỡ cấu trúc chuỗi kinh tế toàn cầu, gây cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có tại nhiều quốc gia…
Trong khó khăn chung, điều đáng mừng là các hiệp hội, DN tỏ ra rất tự tin, lạc quan; và mặc dù khó khăn, nhưng phải xác định đây là một trong những ngành hàng có lợi thế phát triển trong nhiều năm tới của Việt Nam. Sở dĩ vậy là bởi thị trường về ngành hàng gỗ vẫn có nhu cầu, 4 hiệp định thương mại tự do có thể tận dụng. Ngoài ra, Việt Nam có địa kinh tế rất tiềm năng để luân chuyển hàng hoá đi năm châu bốn biển… 
 Quang cảnh hội nghị do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 15/5
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trước mắt tập trung tháo gỡ khó khăn hiện nay cho 4.600 DN, các cơ sở làng nghề… Thực tế, các chính sách tín dụng tài chính đã ban hành nhưng nhiều yếu tố chưa phù hợp. “Đưa ra liều thuốc nhưng bắc không trúng thì cần điều chỉnh. Do đó, các bộ ngành phải lắng nghe, có thể giải quyết thì hỗ trợ, còn không thì tổng hợp báo cáo Chính phủ sửa đổi…” – tư lệnh ngành NN&PTNT nói.
Để thúc đẩy phát triển ngành gỗ sau dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ ngành, hiệp hội – DN tập trung dồn sức khai thác thị trường. Trong đó, phải xác định khai thác cho được cả thị trường 100 triệu dân, với tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hoá lớn…
“Từng hiệp hội ngành hàng phải rà soát chiến lược kinh doanh để chuẩn bị phương án tốt nhất về sản xuất, kinh doanh. Phải có chiến lược đón đầu thị trường sau dịch Covid-19, biết trước ông này ốm xong sẽ ăn bù gì để hồi phục” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ví von.
Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đồng tình với việc cần phải có chương trình phát triển nguyên liệu quốc gia nhằm đáp ứng đủ căn bản nhu cầu cho ngành gỗ. Nhưng không những cần đáp ứng đủ, mà còn phải đa dạng hoá chủng loại gỗ. Bởi ngoài gỗ, Việt Nam còn có nhiều lâm thổ sản có thể khai thác, phấn đấu để đa dạng 14,5 triệu ha rừng phục vụ chiến lược dài hơi.
Bên cạnh đó, phải xây dựng ngành chế biến đồ gỗ, lâm sản hiện đại; gắn với sản phẩm chủ lực ngành hàng. Đối với các trung tâm, cần phát triển cả công nghiệp phụ trợ… Từng bước thiết lập các thiết chế thương mại hiện đại, đủ sức tham gia chuỗi phân phối toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu phát triển ngành gỗ, Bộ trưởng đề nghị phải có sự tham gia đồng bộ của các thành phần: Chính phủ, hiệp hội - DN và người dân. Trong đó, vai trò của các DN là hết sức quan trọng. Đối với các DN, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị bằng giá nào cũng phải chăm lo cho nguồn nhân lực, bởi không có thứ tài sản nào quý giá bằng nguồn nhân lực. Đồng thời, tích cực cải tiến quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 
 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần