Những mô hình điểm
Một trong những mô hình tiêu biểu cho hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của thị xã Sơn Tây là chăn nuôi thỏ Newzealand của ông Vũ Chí Kiên và Nguyễn Văn Toản tại khu 916, xã Cổ Đông. Trang trại có diện tích khoảng 22ha, trong đó, khu vực xây dựng chuồng trại và trồng cỏ chăn nuôi giai đoạn 1 khoảng 5ha. Hiện nay, trang trại mới đầu tư hoạt động, đang nuôi khoảng 6.000 thỏ sinh sản để cung cấp giống cho các trang trại khác trong chuỗi liên kết cung cấp thịt sang thị trường Nhật Bản, EU. Theo tính toán của chủ trang trại, mỗi con thỏ nái sinh sản 6 lứa/năm, tổng số con đạt khoảng 48 con. Với giá trung bình 400.000 – 500.000 đồng/con thỏ giống, giá trị thu được từ mỗi thỏ nái đạt 21,5 triệu đồng/con.
Cũng tại xã Cổ Đông, từ diện tích trồng sắn, trồng keo, bạch đàn kém hiệu quả trước đây, anh Nguyễn Việt Dũng đã đưa cây hoa đào về trồng trên đất gò đồi từ năm 2011. Với diện tích 3,4ha, anh Dũng trồng hơn 10.000 cây đào phai, đào bích, hiện có khoảng 3.000 cây có thể cho khai thác. Năm 2013, trang trại đã cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 cây đào với giá trung bình 500.000 đồng/cây, thu về khoảng 500 triệu đồng. Dự kiến dịp Tết Nguyên đán năm nay, vườn đào của gia đình anh sẽ có 1.200 cây cho thu hoạch. “Trước đây, trồng sắn chỉ thu hoạch 20 tấn/ha/năm, giá trị khoảng 30 triệu đồng/ha. Từ khi chuyển sang trồng đào, thu nhập cao hơn rất nhiều lần” – anh Dũng chia sẻ.
Ngoài các mô hình trên, thị xã Sơn Tây còn triển khai chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa, lợn và gà Mía. Từ đầu năm đến nay, thị xã đã phối hợp với Sở NN&PTNT và các đơn vị trực thuộc triển khai mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học quy mô 220 con tại xã Thanh Mỹ và Kim Sơn; mô hình nuôi gà thả vườn, gà đồi an toàn sinh học quy mô 10.000 con tại xã Kim Sơn, Đường Lâm, Xuân Sơn, Thanh Mỹ…
Tiếp tục chuyển đổi
Các mô hình sản xuất mới trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân. Ước tính thu nhập bình quân đầu người của thị xã năm 2014 đạt khoảng 24 triệu đồng/người/năm, tăng gần 5 triệu đồng so với năm 2010. Mặc dù vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn thị xã chưa có nhiều đột phá. Ông Nguyễn Long Giang – Chủ tịch UBND xã Sơn Đông chia sẻ: “Người dân vẫn còn lúng túng trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một số hộ rất muốn chuyển đổi sản xuất nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể”. Qua kiểm tra và làm việc thực tế tại địa phương, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP cũng đánh giá, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của thị xã Sơn Tây chủ yếu tập trung tại một số hộ mà chưa được nhân rộng. Do đó, thời gian tới, thị xã cần khuyến khích, động viên và có chính sách hỗ trợ vốn, hạ tầng cho bà con nông dân nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Mỗi vùng, địa phương cần có những mô hình điểm để khuyến khích các hộ dân khác.
Ông Phùng Huy Vinh – Trưởng phòng Kinh tế Sơn Tây cho biết, khó khăn hiện nay là số DN đầu tư vào nông nghiệp còn ít, đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế. Mặc dù phần lớn diện tích đất nông nghiệp đã được dồn điền đổi thửa nhưng địa phương chưa xây dựng được các cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Định hướng của thị xã trong thời gian tới là chuyển từ nông nghiệp tự túc, tự cấp sang nông nghiệp hàng hóa. Hiện nay, thị xã đã giao cho các xã, phường rà soát lại diện tích đất nông nghiệp và xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất, trước mắt là trồng hoa, khoai tây bán vào dịp Tết.
Mô hình chăn nuôi thỏ tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Quang Thiện
|
“Đất đai của Sơn Tây không bằng phẳng, nếu phát triển sản xuất lúa thì không hiệu quả nhưng có thể tiếp cận ở hướng trồng hoa, cây cảnh. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, TP cần quỹ cây cảnh quan rất nhiều nên Sơn Tây có thể chuyển hướng vào các mô hình này”. Ông Phạm Văn Khương Phó Giám đốc Sở KH&ĐT |