Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sóng bắt đầu “nổi” trong phiên giao dịch 7/4

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau đảo chiều thành công trong phiên giao dịch sáng, cả 2 sàn đã bứt phá mạnh trong phiên chiều và nhiều nhà đầu tư cho rằng, chân sóng đã hình thành.

Bước vào phiên giao dịch chiều, thị trường nhận thông tin tích cực khi Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3/2015, trong đó có yêu cầu NHNN phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1-1,5%/năm bằng biện pháp thị trường; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Biểu đồ thị trường chứng khoán giao dịch trong ngày 7/4.
Biểu đồ thị trường chứng khoán giao dịch trong ngày 7/4.
Với thông tin tích cực này, cùng dòng tiền bắt đáy có tín hiệu vào cuộc từ cuối phiên sáng, cả 2 sàn đã bứt phá về điểm số ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều nay. Sắc xanh lan tỏa dần khi các lệnh bán giá thấp bị hấp thụ hết, hoặc nhanh chóng bị hủy bỏ, giúp độ rộng của thị trường được nới rộng hơn nhiều so với phiên sáng và thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh so với phiên đầu tuần.

Dù không giữ được mức điểm cao nhất ngày trong đợt ATC, nhưng cả VN-Index và HNX-Index đều có được phiên giao dịch ấn tượng. Dù mức tăng điểm không bằng so với phiên 2/4 và 31/3, nhưng sự tích cực đến từ thanh khoản khi thanh khoản phiên hôm nay tăng mạnh hơn hẳn so với 2 phiên tăng kể trên. Điều này cho thấy, dường như nhà đầu tư đã thấy được tương lai sáng hơn của thị trường và con sóng lớn đang bắt đầu hình thành, nên mạnh dạn xuống tiền.

Kết thúc phiên 7/4, VN-Index tăng 5,14 điểm (+0,95%), lên 548,11 điểm với 160 mã tăng, trong khi số mã giảm chỉ còn 56 mã. Nhóm VN30 cũng chỉ có duy nhất STB còn giảm nhẹ 1 bước giá, trong khi có tới 24 mã đóng cửa trong sắc xanh, qua đó giúp VN30-Index tăng 0,87%, lên 577,69 điểm.

Tương tự, HNX-Index cũng tăng 0,67 điểm (+0,82%), lên 82,33 điểm với 133 mã tăng và 59 mã giảm. Dù có 2 mã giảm và chỉ có 21 mã tăng, ít hơn so với VN30, nhưng HNX30 lại có mức tăng tốt hơn với 1,17%, lên 155,1 điểm.

Thanh khoản phiên hôm nay tăng mạnh so với phiên đầu tuần. Cụ thể, trên HOSE, tổng khối lượng khớp đạt 89,73 triệu đơn vị, giá trị 1.392,35 tỷ đồng, tăng 97% so với phiên hôm qua. Trên HNX, tổng khối lượng khớp đạt 39,57 triệu đơn vị, giá trị 415,24 tỷ đồng, tăng 36,5% so với phiên giao dịch trước.

Ngoài ra, hôm nay trên HOSE cũng có 7 triệu cổ phiếu, giá trị 220,5 tỷ đồng được chuyển nhượng trong phiên thỏa thuận, chủ yếu là đóng góp của gần 4 triệu cổ phiếu VTF, giá trị 115,7 tỷ đồng vào cuối phiên. Trên HNX, giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chưa tới 1 triệu đơn vị, giá trị chỉ hơn 8 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trở lại với diễn biến của phiên chiều nay, ngay khi bước vào phiên chiều, dường như xác định đợt sóng đã hình thành, nhà đầu tư mạnh dạn xuống tiền, giúp nhiều mã đảo chiều tăng giá, hoặc nới rộng đà tăng. Các mã là điểm nhấn trong phiên sáng như OGC, HAI không có nhiều điểm đáng chú ý trong phiên chiều bởi OGC gần như đã tìm được điểm cân bằng ở mức tham chiếu với tổng khớp gần 3,3 triệu đơn vị, trong khi HAI không còn lực cung, nên yên bị ở mức giá trần 11.100 đồng cho đến hết phiên với chỉ khoảng 200.000 đơn vị được khớp thêm, nâng tổng khớp lên hơn 6 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần tới hơn 4,1 triệu đơn vị.

Điểm đáng chú ý trong phiên chiều được chuyển sang các mã lớn khi nhiều mã đóng cửa ở mức cao nhất ngày. Trong đó, PVD sau khi nhọc nhằn mới giữ được sắc xanh nhạt trong phiên sáng, đã tăng mạnh lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa 46.000 đồng, tăng 2,22% với hơn 1,4 triệu đơn vị được khớp. VNM, VIC, DPM, BID, hay REE, SSI, GMD, HAG… cũng là những mã đóng cửa ở mức đỉnh của ngày.

Ngoài HAI, trong phiên chiều, tưởng chừng dòng tiền chảy mạnh sẽ giúp thêm các mã thị trường khác như FLC, VHG, ITA… leo lên mức trần, tuy nhiên, điều này đã không xảy ra khi lực cung ở các mã này khá lớn.

Chốt phiên, FLC tăng 3,88%, lên 10.400 đồng với 11,5 triệu đơn vị được khớp; VHG tăng 4,59%, lên 11.400 đồng với 2,7 triệu đơn vị được khớp; HQC, ITA, KBC cũng có thanh khoản tương đối tốt và đều đóng cửa với sắc xanh.

Tuy nhiên, bất ngờ nhất chính là CII khi mã này bất ngờ có giao dịch rất sôi động trong phiên chiều. Lực mua mạnh được tung ra với mục đích kéo mã này lên mức trần 19.700 đồng, tuy nhiên, lực bán vẫn còn đủ lớn nên CII chỉ lên được ngưỡng 19.500 đồng trước khi đóng cửa ở mức 19.300 đồng, tăng 4,32% với tổng khớp 9,73 triệu đơn vị, chỉ đứng sau FLC.

Trong nhóm ngân hàng, ngoại trừ STB giảm giá, EIB vẫn ở tham chiếu, còn lại đều tăng giá khi chốt phiên hôm nay.

Trên HNX, dù cũng được mua mạnh, nhưng FIT không thể tránh khỏi phiên giảm điểm, dù mức giảm đã được hạn chế tới mức tối thiểu. Trong khi đó, KLF vẫn duy trì đà tăng mạnh như phiên sáng với giao dịch sôi động hơn khi tổng khớp đạt 10,14 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,81%, lên 9.100 đồng. Trong khi đó, lượng dư bán ít ỏi của SHN còn sót lại trong phiên sáng cũng nhanh chóng được hấp thụ hết, giúp mã này đóng cửa trong sắc tím với 5,1 triệu đơn vị được khớp.

Nhóm cổ phiếu dầu khi cuối cùng cũng đã duy trì được sắc xanh của mình. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng đã đảo chiều tăng thành công trong phiên chiều.

Tuy nhiên, điểm gợn trong phiên tăng điểm hôm nay chính là giao dịch của khối ngoại. Sau chuỗi mua ròng liên tiếp, hôm nay khối này đã bán ròng trở lại với khối lượng hơn 2,55 triệu đơn vị, giá trị hơn 48 tỷ đồng trên HOSE. Trên HNX, khối này cũng bán ròng 466.000 đơn vị, giá trị bán ròng 6 tỷ đồng.

Nhìn chung, phiên giao dịch hôm ghi nhận sắc xanh lan tỏa trên diện rộng và ở nhiều nhóm cổ phiếu. Như đã đề cập ở trên, thanh khoản tăng mạnh, xuất phát từ sự tự tin của bên mua báo hiệu dấu hiệu tích cực của thị trường và mức 538,91 điểm đã là đáy của thị trường trong giai đoạn điều chỉnh vừa qua. Dù vẫn còn những hoài nghi về phiên hồi kỹ thuật, nhưng sau cơn bão lớn vừa qua, nhà đầu tư có quyền mơ về những ngày nắng ấm sắp tới./.