Gần một năm đã trôi qua, những tác động của dòng nước tiếp tục làm gia tăng tình trạng sạt lở tại khu vực này. Di tích đứng trước nguy cơ bị đe dọa sạt lở, hàng chục héc - ta đất canh tác nông nghiệp của bà con nông dân bị ảnh hưởng, nhiều hộ dân thấp thỏm sống trong nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi.
Đời sống người dân bị ảnh hưởng
Trên cánh đồng lớn nằm ven sông Cà Lồ, gia đình bà Trần Thị Tươi (thôn Hương Gia) đang tất bật gieo cấy những nương lúa vụ Xuân 2016. Hàng chục năm qua, thu nhập của gia đình bà trông cả vào 1 mẫu canh tác ven sông. Đưa tay quệt ngang những giọt mồ hôi trong cái nắng gắt, bà Tươi bảo, làm nông có nhiều “cái lo”, nhưng lo nhất là khi mùa mưa tới. Nói vậy bởi, khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm, nước sông Cà Lồ lên cao, nhiều diện tích đất canh tác của gia đình lại ngập chìm trong nước, có năm thậm chí còn… mất trắng.
Không chỉ gia đình bà Tươi, nhiều hộ dân thôn Hương Gia có diện tích canh tác ven sông cũng phải thấp thỏm mỗi khi mùa mưa tới. Chỉ tay về phía diện tích đất canh tác mới bị sụt sạt tháng 12/2015, ông Trần Văn Thông – Trưởng thôn Hương Gia cho biết, mỗi mùa mưa qua lại có một phần diện tích ven sông bị sạt lở. Hiện, ít nhất 30ha đất canh tác ven sông của thôn Hương Gia bị ảnh hưởng, trong đó, trên 1ha đã bị mất trắng. Nằm liền kề thôn Hương Gia, bà con nông dân thôn Thụy Hương cũng thường trực nỗi lo bị nước nhấn chìm khi mùa mưa tới, với diện tích bị ảnh hưởng cũng lên tới hàng chục héc–ta. Nhiều bà con hai thôn thậm chí đã phải bỏ canh tác do ảnh hưởng ngày một nghiêm trọng của tình trạng sạt lở và nước sông lên cao.
Bên cạnh ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, tình trạng sạt lở còn khiến nhiều hộ dân ven sông thấp thỏm sống trong âu lo. Thị sát khu vực ven bờ tả sông Cà Lồ dài gần 1,5km chạy dọc hai thôn, không khó để nhận thấy những sân vườn bị sạt trượt, bờ bụi gãy đổ ngổn ngang. Một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ông Nguyễn Văn Lộc (thôn Hương Gia). Hiện, nước sông đã ăn sâu vào mép sân của gia đình ông. Tường ngôi nhà hai tầng bị rạn nứt ngày một nhiều hơn. Nền nhà có hiện tượng bị sụt lún. “Cuối năm trước tôi phải chuyển đàn lợn vào sâu bên trong để tránh nước lên” – ông Lộc chỉ tay về phía chuồng lợn bảo. Được biết, hiện dọc bờ tả sông Cà Lồ, chỉ còn các hộ dân thuộc thôn Hương Gia sinh sống. Người dân thôn Thụy Hương đã chuyển vào sâu trong làng an cư từ nhiều năm qua. Ngoài gia đình ông Nguyễn Văn Lộc, còn có khoảng 20 hộ khác trong thôn Hương Gia cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng sạt lở, trong đó, có khoảng 8 hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Trần Văn Thông cho hay, đã có một số hộ gia đình phải ngậm ngùi rời đi nơi khác sinh sống, do lo ngại ảnh hưởng từ tình trạng sạt lở.
Di tích Quốc gia bị đe dọa
So với thôn Hương Gia, diện tích đất canh tác cũng như ảnh hưởng của sạt lở tới các hộ gia đình thôn Thụy Hương là ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, người dân trong thôn lại hết sức trăn trở với nỗi lo dành cho… Đền Thụy Hương. Ít người biết, khu Đền từng là nơi đóng quân của Trung đoàn 921 – Đoàn Không quân Sao Đỏ (Trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam) vào những năm 1967 – 1968. Cụm di tích đã được Bộ VHTT cấp bằng Di tích lịch sử Quốc gia năm 1990. Khu Đền nằm ven sông Cà Lồ hiện chỉ cách dòng chảy… một bức tường rào.
Ông Nguyễn Văn Thỏa – Cụ từ Đền Thụy Hương cho biết, năm 2013, ngôi Đền đã được TP quan tâm, đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để tu bổ, nâng cấp một số hạng mục chính. Nhân dân địa phương cũng đóng góp nhiều tiền của, công sức để xây dựng tường rào, khu sân vườn… Nhờ đó, tình trạng nước sông “ăn” vào sân Đền mỗi mùa mưa tới đã không còn. Tuy nhiên, khu vực ven sông qua Đền hiện vẫn chưa được kè kiên cố. Nguy cơ sạt lở thường trực khi mùa mưa tới có thể cuốn trôi bức tường rào bất cứ lúc nào.
Theo đánh giá của ông Ngô Văn Nhật – Trưởng thôn Thụy Hương, kể từ khi có dự án xây dựng khu dân cư Quang Minh ven bờ hữu sông Cà Lồ thuộc địa phận huyện Mê Linh, ảnh hưởng của tình trạng sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân là chủ đầu tư dự án đã cho đổ đất dọc ven sông khiến do dòng chảy bị biến đổi. Trước tác động ngày một nghiêm trọng của dòng chảy tới khu vực di tích, chính quyền địa phương, Nhân dân đã hai lần đóng góp, tổ chức kè đoạn sông qua khu Đền chính. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên chất lượng công trình chỉ ở mức tạm bợ, hiệu quả phòng chống lũ không cao. Khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy, đoạn kè trên hiện đã bị sụt sạt, trông không khác một dải bãi bồi nhỏ, um tùm cỏ dại ven sông.
Cùng với Đền Thụy Hương, Đền Hương Gia cũng là một di tích lịch sử có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân địa phương. Ngôi Đền thuộc thôn Hương Gia này có phần “may mắn” hơn khi mới đây đã được UBND TP đầu tư kè kiên cố hóa. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Thông, đoạn kè hiện đang chịu tác động mạnh của dòng chảy gây nên một số ảnh hưởng về mặt kết cấu chân kè. Nếu không sớm được đánh giá, có biện pháp tu bổ, khả năng chống lũ của đoạn kè sẽ khó có thể đảm bảo.
Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án
Trước ảnh hưởng của tình trạng sạt lở đến cuộc sống, nhiều hộ dân thôn Hương Gia sống ven sông Cà Lồ đã có kiến nghị được tái định cư đến nơi ở mới. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Thông, do quỹ đất của địa phương hạn chế nên hiện công tác này vẫn chưa thể thực hiện được. “Trước mắt, người dân chỉ mong TP sớm triển khai kè cứng hóa khu vực ven sông, giúp các hộ gia đình ổn định sản xuất…” – ông Thông nói.
Liên quan tới công tác đảm bảo an toàn khu vực ven sông Cà Lồ, ông Trần Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường cho hay, xã đã huy động Nhân dân đóng góp tiền bạc, công sức, tổ chức kè gia cố bờ sông hai lần vào các năm 2007 và 2013. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Cuộc sống bấp bênh do dòng nước ngày một lấn sâu vào bờ. Câu chuyện an cư dường như vẫn đeo đẳng người dân nơi đây. Đặc biệt là nguy cơ sạt lở tiềm ẩn mối đe dọa tới hai di tích lịch sử văn hóa quan trọng của địa phương. Cùng với sự quan tâm của TP, có lẽ hơn lúc nào hết, người dân sinh sống tại hai ngôi làng dọc bờ tả sông Cà Lồ đang rất kỳ vọng Sở NN&PTNT Hà Nội tập trung đôn đốc, sớm triển khai, hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra, để cư dân nơi đây không còn thấp thỏm nỗi lo khi mùa nước về.
Nhiều diện tích canh tác ven sông Cà Lồ đã bị sạt lở. Ảnh: Trọng Tùng
|
Kể từ khi báo Kinh tế & Đô thị có bài phản ánh tình trạng sạt lở, TP đã tổ chức một số đoàn công tác về khảo sát tình hình sạt lở khu vực ven sông này. Và đến đầu tháng 2/2016 vừa qua, UBND TP đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư báo cáo kinh tế kỹ thuật xử lý sạt lở bờ tả sông Cà Lồ thuộc địa bàn các thôn Thụy Hương, Hương Gia (xã Phú Cường, Sóc Sơn). Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 12 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn, địa phương vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào liên quan tới việc phối hợp triển khai dự án. Trao đổi với một đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội – đơn vị được TP giao là chủ đầu tư của dự án nêu trên được biết, hiện Sở đang hoàn thành các thủ tục cần thiết cuối cùng để bàn giao dự án cho đơn vị thi công triển khai thực hiện (?!) |