Đời sống, sản xuất bị ảnh hưởng Theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nhất xảy ra tại khúc sông chảy qua địa bàn quận Long Biên và giảm dần khi qua huyện Gia Lâm. Khúc sông thuộc phường Sài Đồng, nơi tiếp nhận nguồn xả từ khu công nghiệp Hà Nội – Đài Tư, Công ty CP X20 – X22 – X26 (Bộ Quốc phòng), Chợ May 10…, nước sông như được nhuộm đen. Trời nắng, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc khiến chúng tôi không khỏi cảm thấy đau đầu, khó chịu. Bà Nguyễn Thị Tâm – tổ 6, phường Sài Đồng, một trong những hộ sống ven sông Cầu Bây bức xúc cho biết, tình trạng ô nhiễm dòng sông đã diễn ra nhiều năm nay. Đặc biệt, mỗi khi trời nắng và có gió, mùi hôi thối bốc lên khiến các hộ sống ven sông phải đóng kín cửa. Cư dân ven sông còn bày tỏ lo ngại tình trạng ô nhiễm dòng sông có thể khiến gia tăng nguy cơ mất an toàn nguồn nước sinh hoạt. Trước thực trạng trên, cử tri trên địa bàn các xã, phường có sông Cầu Bây chảy qua đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương, nhưng rồi ô nhiễm… đâu vẫn hoàn đó.
Không chỉ đời sống bị ảnh hưởng, việc sông Cầu Bây bị ô nhiễm cũng khiến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân gặp khó. Theo số liệu của Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Gia Lâm, sông Cầu Bây là nguồn cung cấp nước tưới cho khoảng 6.000ha canh tác nông nghiệp, chủ yếu thuộc địa bàn huyện Gia Lâm. Nhiều hộ sản xuất thuộc thị trấn Trâu Quỳ, các xã Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Đông Dư chia sẻ, nước bị ô nhiễm, không thể bơm vào ao, hồ để nuôi trồng thủy sản. Một số diện tích đất nông nghiệp không thể gieo trồng do nguồn nước ô nhiễm quá nặng, cây trồng, vật nuôi không thể phát triển được. Phối hợp xử lý còn lỏng lẻo Theo ông Ngô Việt Hải – Phó Trưởng phòng TN&MT quận Long Biên, nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm sông Cầu Bây là tình trạng xả thải khó kiểm soát hiện nay. Đoạn sông chảy qua địa bàn quận chỉ dài khoảng 3km nhưng có tới 23 cơ sở sản xuất cùng xả thải. Gần 10 DN trong số đó chưa có giấy phép, trong khi những điểm xả thải dân sinh thì quận… chưa có điều kiện rà soát hết! Cũng theo thống kê của Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Gia Lâm, toàn tuyến sông Cầu Bây qua địa bàn huyện hiện có 38 điểm xả thải không phép, rất nhiều trong số đó xuất phát từ các cơ quan Nhà nước. Liên quan tới công tác quản lý, ông Hải cho biết, UBND các quận, huyện không có thẩm quyền cấp phép điểm xả thải. Đồng thời thẳng thắn chia sẻ, việc phối hợp xử lý vi phạm xả thải hiện vẫn còn nhiều hạn chế. “UBND quận Long Biên đã có văn bản gửi Sở TN&MT về phối hợp xử lý ô nhiễm nước mặt, nước ngầm (trong đó có hệ thống sông Cầu Bây) từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm…” – ông Hải cho biết thêm. Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Hân – Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Gia Lâm thông tin, đơn vị chỉ có chức năng thống kê, báo cáo và kiến nghị chính quyền địa phương, Sở TN&MT xử lý các điểm xả thải theo thẩm quyền. Tuy nhiên, công tác phối hợp xử lý giữa các đơn vị là rất hạn chế. Điều này thể hiện qua số liệu thống kê những điểm xả thải không phép trong nhiều năm qua chỉ tăng chứ không hề giảm. Nhằm sớm khắc phục hiện trạng ô nhiễm sông Cầu Bây, ông Hải kiến nghị UBND TP đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng tuyến mương Gia Thụy – Cầu Bây, đồng thời bố trí kinh phí thường xuyên để địa phương tổ chức nạo vét định kỳ, khơi thông dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm. Liên quan tới công tác quản lý Nhà nước, ông Hân đề xuất, trước khi cấp phép xả thải cho các tổ chức, DN, Sở TN&MT cùng các bên liên quan cần lấy ý kiến của đơn vị quản lý hệ thống công trình thủy lợi. Điều này sẽ giúp quản lý tốt hơn hoạt động xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi, bảo đảm chất lượng nguồn nước, hạn chế ảnh hưởng tới đời sống cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân.
Điểm xả thải vào sông Cầu Bây qua địa bàn phường Sài Đồng, quận Long Biên. Ảnh: Trọng Tùng |