Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sống khổ giữa “kho vàng”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi cái nắng thu ánh vàng óng ánh, tiết trời hanh hao se lạnh, thì ở vùng núi cao ấy đang có một "mùa vàng" tuyệt đẹp. Chúng tôi theo chân đoàn lữ hành ngược quốc lộ 32 gần 300km, men theo những triền núi chênh vênh để được thả mắt, đắm mình trong sắc thu óng ả, mê mẩn trước những thửa ruộng bậc thang đang nhuộm vàng cả xứ Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái).

Quyến rũ ruộng bậc thang

Đặt chân lên nơi đây đúng vào vụ gặt, tôi thấy mình như lọt thỏm, bé nhỏ trước ngút ngàn rừng núi, ngút ngàn những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp. Những thửa ruộng ấy như những dải lụa nhiều sắc màu mềm mại, lộng lẫy, đầy kiêu sa. Giữa đất trời bao la, thoang thoảng mùi thơm của hương lúa, hương rùng và khí tiết đất trời, dễ khiến du khách muốn quên đi cái ồn ã, xô bồ của cuộc sống thị thành. Giữa khung cảnh hùng vĩ núi rừng Tây Bắc ấy, ngắm từng thửa ruộng bậc thang nằm chênh vênh trên sườn núi, một màu lúa chín vàng rực nổi bật trên sắc xanh của núi rừng. Xa xa, lẫn trong sắc vàng tươi là màu nâu trầm của những chòi canh lúa nhỏ xinh tạo nên nét chấm phá cho bức tranh mùa vàng ấm no.

Địa danh Mù Cang Chải, quen mà lạ, xa mà gần, nghe đến đã nhiều nhưng có lẽ không mấy ai hiểu  ý nghĩa của tên gọi này. Khi thấy tôi băn khoăn, ông Giàng A Tông, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải giải thích: Mù Cang Chải theo tiếng Mông có nghĩa là vùng cây khô. Ấy nhưng, bàn tay cần cù của bà con dân tộc Mông bao đời nay đã biến một vùng đồi núi thành 1.600ha ruộng bậc thang đẹp nhất châu Á.

Mù Căng Chải có 13 xã thì xã nào cũng trải dài miên man trùng điệp các thửa ruộng bậc thang. Trong đó 700 ha ruộng tập trung ở 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình là đẹp nhất, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch xếp hạng di tích danh thắng quốc gia năm 2007. Men theo những thửa ruộng đẹp mê người ấy là những dòng suối chảy lững lờ, trong vắt, nhấp nhô những viên đá cuội trắng ngần. Có đến tận nơi mới hiểu vì sao các nhà nhiếp ảnh, họa sĩ lại mê mẩn vùng đất này đến vậy.

Dẫn chúng tôi lên thăm ruộng bậc thang, anh Khang A Dua, Phó Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha chia sẻ, hiện xã có 128 ha ruộng lúa nước. Để có được mảnh ruộng dài khoảng 30-35m, rộng khoảng 1m là cả một quá trình khai phá khó nhọc từ nhiều đời. Với diện tích hơn 100ha ruộng, không biết người dân nơi đây đã đổ xuống bao mồ hôi của nhọc nhằn, vất vả. Chỉ tay hướng về những thửa ruộng phía dưới, anh Dua bảo: Ruộng bậc thang tùy vào địa hình mà chỉ cấy được một đến hai vụ/năm. Thường thì những mảnh ruộng gần suối cấy được hai vụ; còn những vụ ở lưng chừng núi này chỉ được một  vụ. Vụ đầu thường từ tháng 3 - 4 đến tháng 9 - 10, vụ tiếp theo từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 - 6 năm sau.

Kỳ vĩ rừng nguyên sinh

Thấy chúng tôi đắm mình trước trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và kỳ thú nơi đây, của ông Vàng A Lử, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mù Cang Chải "khoe": Ruộng bậc thang của người Mông được công nhận là danh thắng quốc gia, nhưng Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh Mù Cang Chải với tổng diện tích trên 20.290ha nằm trên dải sơn mạch Hoàng Liên Sơn hùng vĩ mới là nơi "độc nhất vô nhị" của miền Tây Bắc.

Không cưỡng lại được niềm ham muốn, thích khám phá, chúng tôi tiếp tục bám theo những triền núi, đồi dốc quanh co đến với xã Chế Tạo, một trong những địa phương nằm trong khu bảo tồn - sinh cảnh Mù Căng Chải (gồm Chế Tạo, Nậm Khắt, Púng Luông, Lao Chải và Dế Xu Phình). Người ta mê mẩn Mù Cang Chải bởi nơi này không chỉ có ruộng bậc thang trải dài óng ả, mà bao quanh những thửa "mật ong rừng" ấy là những khoảnh rừng già xanh thẫm. Chúng tôi lắng nghe tiếng róc rách của suối, tiếng rì rào của gió, khu rừng như đang tấu lên những bản nhạc không lời. Thi thoảng, điểm vào bản nhạc ấy là tiếng hú vang vọng núi rừng của đàn vượn đen trên rừng già ở chân núi Pú Vá nghe hoang dại và kỳ lạ. Du khách mới lên đây lần đầu không khỏi thót tim, giật mình, tưởng mình như lạc vào chốn rừng xanh thẳm không người.

Theo Ban quản lý Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh Mù Căng Chải, sau 3 năm khảo sát liên tục từ năm 2000 - 2002, Tổ chức Bảo tồn động, thực vật Quốc tế (FFI) đã ghi nhận, khu bảo tồn có 33 loài thuộc diện quý hiếm được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Không chỉ có vậy, nơi này còn có 54 loài thú, 132 loài chim, 42 loài động vật quý hiếm trong sách Đỏ Việt Nam. Đặc biệt, nếu như ở Việt Nam chỉ còn khoảng 120 cá thể Vượn đen, thì ở đây đã có đến 60 cá thể đang sinh sống. Ngoài ra, vẫn còn tới 127 loài chim, trong đó có loài Niệc cổ hung hiện chỉ còn thấy ở Mù Căng Chải và Vườn Quốc gia Pù Mát.

“Nàng công chúa vẫn ngủ trong rừng”

Ruộng bậc thang nên thơ, núi rừng hùng vĩ, khu bảo tồn loài - sinh cảnh quí hiếm, nhưng tiếc thay, vẻ đẹp thiên nhiên Mù Căng Chải chưa được khai thác xứng với tiềm năng vốn có. Những người dân ở xã La Pán Tẩn bảo, từ khi được công nhận danh thắng quốc gia, lượng khách đến thăm quan có nhiều hơn, nhưng chủ yếu họ rẽ qua chụp ảnh rồi lại đi. Lý giải vì sao khách không lưu trú, tham quan, một người dân khuơ tay chỉ: "Anh nhìn xem, cả xã này "bói" không ra một nhà nghỉ cho khách dừng chân". Không chỉ La Pán Tẩn mới thiếu cơ sở lưu trú mà ngay cả thị trấn huyện cũng trong tình trạng này. Đoàn chúng tôi chỉ hơn 20 người nhưng tìm mỏi mắt cũng không có nhà nghỉ nào đủ phòng cho cả đoàn trú chân. Ông Lương Duy Ngân, Phó Chủ tịch CLB du lịch lữ hành Hà Nội trăn trở: Mù Căng Chải tuy có tiềm năng du lịch nhưng lại thiếu dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là cơ sở lưu trú nên hầu hết các doanh nghiệp du lịch chưa thể xây dựng tour đưa khách đến thăm quan.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Giàng A Tông tâm sự: Mù Căng Chải là một trong 2 huyện miền núi nghèo nhất nước. Vẫn biết muốn nâng cao đời sống cho bà con thì không thể chỉ dựa vào nông nghiệp mà phải khai thác những gì được thiên nhiên ưu đãi, đặc biệt là cảnh đẹp ruộng bậc thang và khu bảo tồn loài - sinh cảnh. Nhưng làm được việc đó lại cần có vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, xúc tiến du lịch… Ai cũng biết, cũng muốn vậy, nhưng lực bất tòng tâm. Đã nhiều lần huyện có kiến nghị với tỉnh và ngành du lịch tăng cường hơn nữa hoạt động kêu gọi đầu tư, quảng bá, nhưng đến nay, mọi nỗ lực mới chỉ dừng lại ở bản đề án… trên giấy. Những tâm sự của ông Tông cũng là điều trăn trở của chị Trần Thị Thúy Lưu, Trưởng phòng du lịch lữ hành Sở Văn hóa -Thể thao & Du lịch Yên Bái: Để ruộng bậc thang Mù Căng Chải trở thành điểm thu hút khách du lịch, UBND tỉnh Yên Bái đã trình lên Thủ tướng Chính phủ đề án xây dựng Dự án quy hoạch, bảo tồn Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn với phát triển du lịch. Phạm vi nghiên cứu quy hoạch, lập dự án là 700 ha, trong đó phần bảo vệ danh thắng là 330 ha được chia làm hai giai đoạn. Trong giai đoạn I  từ năm 2011-2013 sẽ đầu tư bảo tồn phát triển 70 ha ruộng bậc thang bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn. Nhưng, những ý tưởng, dự kiến ấy có trở thành hiện thực hay không vẫn phải… chờ kinh phí.

Đề cập đến việc, địa phương vẫn thiếu nơi lưu trú, dừng chân cho du khách, chị Thúy Lưu cho biết thêm, cả huyện chỉ có 3 nhà nghỉ với công suất khoảng 20 buồng nên khó có thể thu hút khách du lịch. Việc cơ sở lưu trú chưa đáp ứng được yêu cầu không phải ngành du lịch Yên Bái không biết nhưng… đành vậy. Nhằm  hỗ trợ phần nào cho hoạt động thu hút khách đến với Mù Căng Chải, thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường quảng bá, ngành du lịch Yên Bái cũng đã xây dựng một số điểm du lịch cộng đồng tại xã La Pán Tẩn. Tuy nhiên do thiếu hệ thống nhà nghỉ nên việc thu hút khách du lịch cũng chưa cao.

Chúng tôi chia tay Mù Cang Chải trong sắc thu vàng rực rỡ nên thơ. Xa dần, xa dần những dãy núi xanh thăm thẳm ngút ngàn, những dòng suối nhấp nhô đá cuội uốn quanh khe núi. Tạm biệt những chàng trai, cô gái Mông với những bàn tay tài hoa đã tạo ra những kiệt tác trở thành linh hồn của xứ sở Mù Cang Chải. Chợt buồn vì cảm thấy những trăn trở của anh Dua, chị Lưu mong biến sự giàu có, ưu đãi của thiên nhiên và công sức của bao thế hệ trở thành những "mùa vàng" bội thu thực sự có lẽ vẫn còn mãi xa vời…

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì trở thành danh thắng quốc gia

Sau Mù Căng Chải, đến lượt ruộng bậc thang thuộc huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) được công nhận là Di tích danh thắng cấp quốc gia theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 1/11/2011. Di tích ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nằm trên địa bàn 6 xã và được đánh giá vào loại đẹp nhất Việt Nam với lịch sử hàng trăm năm, do đồng bào các dân tộc La Chí, Dao, Nùng tạo nên.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì không chỉ mang những giá trị về mặt vật chất mà còn mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và giá trị thẩm mỹ cao. Những thửa ruộng bậc thang nơi đây không chỉ là tư liệu sản xuất mà còn là minh chứng rõ ràng nhất về lịch sử cư trú từ bao đời nay của đồng bào các dân tộc trên vùng đất Hoàng Su Phì.