Sống khỏe nhờ nuôi đà điểu

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 3 năm trở lại đây, mô hình nuôi đà điểu bắt đầu manh nha và phát triển tại thị xã Sơn Tây, mở hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân trên địa bàn.

 Mô hình nuôi đà điểu tại xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều năm trước đây, gia đình ông Phùng Văn Chuy, ở thôn Thủ Trung, xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây) chủ yếu chăn nuôi lợn thịt, song do bệnh dịch và giá cả bấp bênh nên năm 2018 đã chuyển sang chăn nuôi đà điểu. Ông Chuy chia sẻ, đà điểu là vật nuôi ít bị bệnh, sức đề kháng tốt nên không vất vả trong quá trình nuôi. Thêm nữa, loài này chủ yếu ăn cỏ, rau tạp, cám gà nên chi phí thức ăn thấp và chỉ cần một lao động cũng có thể đảm đương chăm sóc được một đàn tới vài trăm con. “Đà điểu nuôi khoảng 7 - 8 tháng sẽ đạt trọng lượng từ 90 - 100kg, với giá bán bình quân 90.000 đồng/kg, tính ra mỗi con thu nhập khoảng 8 – 9 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi 2 - 3 triệu đồng/con” – ông Chuy cho hay.
Hiện nay, mô hình chăn nuôi đà điểu thương phẩm đã phát triển rộng khắp trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Đặc biệt, giai đoạn 2017 - 2018, thị xã đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi đà điểu thương phẩm, thu hút 39 hộ gia đình ở các xã, phường như Sơn Đông, Cổ Đông, Kim Sơn, Xuân Sơn, Thanh Mỹ và Xuân Khanh. Từ 14 hộ tham gia, mỗi hộ nuôi 20 - 100 con, đến nay, số hộ chăn nuôi đà điểu trên địa bàn đã tăng lên gần 60 hộ, mỗi hộ nuôi 20 - 450 con. Mặc dù các hộ nuôi đà điểu vẫn tự tìm đầu mối tiêu thụ nhưng do cung không đủ cầu nên mặt hàng thịt đà điểu bán chạy, giá cả ổn định, cho thu nhập cao tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phan Thị Thu Hiền cho biết, hiện nay, thị xã có gần 10 hộ chuyển từ nuôi đà điểu thương phẩm sang nuôi đà điểu giống. Mỗi năm, các hộ này cung cấp cho thị trường khoảng 3.000 - 4.000 con đà điểu giống. Để chủ động nguồn cung con giống, một số hộ đã tập trung chăn nuôi đà điểu sinh sản với quy mô 100 - 120 con. Sau khi trừ chi phí, các hộ chăn nuôi đà điểu sinh sản, giống, thương phẩm thu lãi từ 500 triệu - 1 tỷ đồng/hộ/năm.
Nhằm tạo bước chuyển căn bản trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng, thị xã Sơn Tây đã và đang tiếp tục triển khai nhiều mô hình mới. Trong đó, một số mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng hoa, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa, nuôi đà điểu. Đồng thời, thị xã tích cực hỗ trợ nông dân, hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản, chuyển đổi, mở rộng quy mô sản xuất, giúp nông dân vươn lên làm giàu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần