Nơi ánh sáng ít ỏi như hy vọng
Năm 1956, ba tòa nhà F4, F5, F6 được xây dựng tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), mục đích ban đầu để làm ký túc xá cho giáo viên, sinh viên Trường Trung cao cơ điện, thuộc Đại học Tổng hợp. Do ít sinh viên nên 3 tòa F này được đem cho một số nhà máy, xí nghiệp công nghiệp thời bấy giờ là: Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Nhà máy xà phòng Hà Nội… mượn. Đến năm 1958, cả 3 tòa được phân bán cho cán bộ công nhân viên các đơn vị này. Từ đó tới nay, gần 60 năm trôi qua, cả 3 tòa nhà đã xuống cấp, biến dạng nghiêm trọng, nhưng có lẽ không một nhóm cư dân nào của tất cả các CCC trên địa bàn Hà Nội lại phải sống mòn mỏi, lầy đọng trong môi trường ô nhiễm khủng khiếp như nhà F4 Thanh Xuân Trung.
Theo thiết kế ban đầu, nhà F4 cao 4 tầng, xây dựng theo tiêu chí ký túc xá, nghĩa là nhà vệ sinh dùng chung cả tầng, căn hộ rộng 24m2, không vách ngăn, chia phòng. 6 thập kỷ trôi qua, nhân khẩu cứ đông thêm lên, 30 căn hộ ban đầu giờ đã thành nơi trú thân của 60 gia đình, trên 200 con người. Bước vào tòa nhà, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là tối, bóng tối loang lổ, che phủ hầu hết không gian sống. Do không có nơi đặt bếp, 100% hộ gia đình ở đây buộc phải cơi nới hành lang phía trước để dựng những gian chòi nấu nướng, trét gần kín khoảng không đón sáng tự nhiên của tòa nhà. Trong bóng tối mờ mịt kể cả giữa ban ngày ấy, những bức tường ẩm ướt sực mùi rêu mốc hòa quyện với mùi nhà xí luẩn quẩn, mùi xào nấu, bếp than khét lẹt tạo nên một bầu không khí ngột ngạt và u ám.
Bà Nguyễn Thị Hồng, căn hộ 21, CCC F4 cho biết: “8 nhà vệ sinh cũ giờ còn 5 chiếc vẫn được sử dụng chung, một số hộ tầng 1 có điều kiện đã xây công trình phụ khép kín. Nhưng vấn đề lớn nhất không phải mấy khu vệ sinh mà là cái bể phốt”. Cái bể phốt ấy 60 tuổi, lần gần nhất được thông hút là 15 năm trước, đến nay lẫn lộn chất thải với gạch đá, đã tắc hoàn toàn, không thể sử dụng nữa. Cánh cửa gỗ vênh vỡ bám đầy nấm và ký sinh trùng trắng ởn không đủ che đậy thứ mùi kinh khủng quanh năm ám riết tòa nhà. “Biết là bẩn thỉu, ô nhiễm nhưng đành chấp nhận thôi. Có nhà mà ở còn hơn màn trời chiếu đất” - bà Hồng nói.
Vùng vẫy để sinh tồn
Chồng của bà Hồng, ông Nguyễn Thanh Tâm có một quá khứ đáng tự hào. Ông Tâm từng là Trưởng Ban quân báo Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 trong kháng chiến chống Pháp. Xuất ngũ về công tác gần 40 năm tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Khi nghỉ hưu theo chế độ, ông được bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố 11 và suốt 17 năm giữ vị trí đó, ông vừa được tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Người dân nhà F4 nhớ đinh ninh: “Chỉ mỗi 1 lần trong thời ông Tâm làm Tổ trưởng là xin được chính quyền phường kinh phí để hút cái bể phốt”. Dẫu vậy, cuộc sống hiện tại của gia đình ông lại chất chứa muộn phiền. Hai vợ chồng già sống với 2 người con trai và cô cháu gái năm nay 16 tuổi, anh con lớn 47 tuổi gia đình đổ vỡ, anh út 45 tuổi chưa dám lấy vợ, tất cả chỉ vì nhà chật quá, 24m2 không chứa nổi một đại gia đình 3 thế hệ. Ông Tâm buồn chỉ biết lấy quá khứ làm vui nhưng vẫn khẳng định chắc nịch với cánh phóng viên: “Cái gì đúng chính sách thì trả lời, không thì thôi”.
Nhiều cư dân của F4 có chung cảm nhận mình đang bị lãng quên giữa lòng Thủ đô. Tổ trưởng tổ dân phố số 11 hiện thời, ông Trần Tiến Thịnh tâm sự: “Trong khi chung cư mới cao tầng mọc lên khắp nơi, không hiểu sao nơi này lại chẳng ai ngó ngàng đến”. Mấy chục năm qua, cư dân F4 chưa từng nhận được một cảnh báo nguy hiểm nào từ chính quyền, ao ước bé mọn nhất là thông hút cái bể phốt đầy đặc kia cũng chẳng biết trao gửi vào đâu. Giờ đây, ngay cả tầng thượng của tòa nhà cũng đã mọc lên tua tủa những “tổ chim”; có căn hộ 24m2 mà chia 2 gia đình không thân thích cùng ở, nhà vệ sinh chung bị chẻ nhỏ thành những khoang bé tẹo vẫn không đủ dùng; dăm bữa lại rụng đoạn thanh giằng bê tông cốt thép, hoặc rơi vài viên gạch, mảng vữa trần. Sống chung với nguy hiểm, ô nhiễm đã thành quen, người dân nơi đây quen cả với tình cảnh bị lãng quên trong vô vọng.
Cựu Tổ trưởng Tổ dân phố số 11 Nguyễn Thanh Tâm trong căn hộ số 21. Ảnh: Ngọc Hải
|
Các ống dẫn chất thải cuống bể phốt chằng chịt trên tường nhà F4.
|