“Sóng ngầm” lãi suất vẫn âm ỉ tại các ngân hàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã thực hiện nghiêm túc việc huy động vốn VND không quá 14% và không có bất cứ một khoản phí nào.

KTĐT - Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã thực hiện nghiêm túc việc huy động vốn VND không quá 14% và không có bất cứ một khoản phí nào.

Trong thời gian qua nhiều ngân hàng tại Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc việc đồng thuận lãi suất huy động trần 14%, tuy nhiên, một số ngân hàng khác do thiếu vốn, thiếu thanh khoản nên vẫn còn “âm ỉ” thỏa thuận ngầm với khách hàng, đẩy lãi suất lên trên 14%.

Vẫn ngầm thỏa thuận

Tại hội nghị triển khai kế hoạch hành động thực hiện của các ngân hàng vừa được tổ chức tại Hà Nội bàn thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, một số lãnh đạo ngân hàng cho biết tình hình huy động vốn sắp tới vẫn rất căng thẳng và sẽ có nhiều chiêu thức “lách” luật mà cơ quan quản lý khó có thể phát hiện.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã thực hiện nghiêm túc việc huy động vốn VND không quá 14% và không có bất cứ một khoản phí nào.

Tuy nhiên, ông Hùng lại tỏ ra băn khoăn, lo lắng, việc huy động lãi suất đồng thuận 14% giữa các ngân hàng hiện nay không được thực hiện đồng bộ. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 02 buộc các ngân hàng phải tuân thủ và nếu ngân hàng nào không tuân theo sẽ bị chế tài, thế nhưng vẫn có một số ngân hàng “lách luật”. Nhiều ngân hàng vẫn thỏa thuận ngầm với khách để nâng mức lãi suất lên trên 14%.

Cũng cùng có những trăn trở giống như ông Hùng, ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc chi nhánh BIDV Hà Nội cho rằng, tình hình lãi suất đã trở nên phức tạp từ cuối quý 4/2010, bề ngoài các tổ chức tín dụng đều nghiêm túc chấp hành lãi suất 14% nhưng thực tế thì lại không phải như vậy.

Ông Dũng cho biết, chính nhân viên của chi nhánh đã đến một số ngân hàng khác “khảo giá lãi suất” và đã nhận được lãi suất trên 14%. Ông Dũng cho rằng cũng khó có thể đưa ra được bằng chứng cụ thể, tuy nhiên ông Dũng khẳng định, mặt bằng lãi suất huy động trên 14% vẫn đang tồn tại tại một số ngân hàng ở Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền tại Vietcombank chi nhánh Thành Công cũng tỏ ra bức xúc không kém: Tất cả các chi nhánh của Vietcombank đều thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và đồng thuận giữa các ngân hàng thì trong hệ thống của Vietcombank lại bị giảm nhiều về tổng huy động vốn, đặc biệt là chi nhánh Thành Công. Bà Hiền đưa ra ví dụ, tháng 12/2010 huy động vốn mặc dù là tháng cuối năm chạy chỉ tiêu nhưng cũng bị giảm mất 463 tỷ đồng, trong đó tiền đồng giảm 446 tỷ đồng; còn tháng Hai mặc dù tổng huy động vốn tăng 132 tỷ đồng nhưng tiền Việt Nam vẫn tiếp tục giảm 91 tỷ đồng.

“Thực tế các ngân hàng vẫn niêm yết 14% nhưng chúng tôi vẫn nghe được thông tin vẫn có ngân hàng này ngân hàng kia thỏa thuận ngầm với khách hàng với mức lãi suất lên đến 16%. Thực tế để bắt tận tay thì quả thật là rất khó, vì nói ra thì khách hàng nói là rút ra để mua nhà, mua xe chứ có ai nói là để gửi ngân hàng khác đâu,” bà Hiền bức xúc.

Hình thức thường được các ngân hàng sử dụng là ghi thêm phiếu chi thưởng lãi suất. Khoản chênh lệch được tách ra ngoài sổ tiết kiệm. Không những thế, khách hàng còn được tham gia và hưởng nhiều sản phẩm khuyến mãi. Do vậy, lãi suất thực lĩnh đã vượt lãi suất danh nghĩa.

Cần mạnh tay để tạo mặt bằng lãi suất chung

Có thể lý giải việc Ngân hàng Nhà nước buộc phải ra Thông tư 02 là vì ngày càng có nhiều ngân hàng tìm cách “lách thỏa thuận” trần lãi suất. Đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước đã ra văn bản xử lý hai chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần là Kiên Long và Phương Tây vì vi phạm lãi suất huy động vốn. Đây chỉ là những tình huống “đã bị phát hiện.” Còn bao nhiêu tình huống “chưa bị phát hiện” nữa, vẫn chưa có con số cụ thể?

Vì vậy, Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước có thể xem là một sự “nhắc nhở nghiêm khắc” với các ngân hàng thương mại nhưng cũng là một động thái cho thấy cơ chế đồng thuận trần lãi suất thông qua Hiệp hội Ngân hàng đã không còn hiệu quả.

Chính vì vậy, ông Hùng cho rằng, thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội nếu phát hiện trường hợp nào không thực hiện đúng trần lãi suất thì phải xử lý nghiêm, có như vậy thì mới tạo được một mặt chung về lãi suất.

Ông Dũng cũng kiến nghị, trong thời điểm hiện tại cần thiết sử dụng biện pháp hành chính mạnh để đưa mặt bằng lãi suất xuống. Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, thanh tra. Ông Dũng cũng đặt ra câu hỏi, tăng trưởng tín dụng chỉ là 20%, các tổ chức tín dụng có cần thiết phải đưa lãi suất lên cao để cạnh tranh hay không?

Lãnh đạo những ngân hàng này đều cho rằng, quả thật rất khó nếu áp dụng đúng lãi suất 14%, còn các ngân hàng khác cứ để lãi suất cao. Tất cả các ngân hàng cạnh tranh với nhau chủ yếu bằng chất lượng dịch vụ thì lúc đó mới hy vọng việc kinh doanh được tốt hơn.

Tuy nhiên, không phải là không có ngân hàng thực hiện nghiêm túc lãi suất huy động VND. Chị Nguyễn Thu Vân trước đây vẫn gửi tiền ở Ngân hàng Phương Tây chi nhánh Cửa Nam, chị vừa đến ngân hàng để thỏa thuận lãi suất nhưng nhân viên chi nhánh đã từ chối mặc dù số tiền gửi của chị cũng lên đến vài trăm triệu đồng. Nhân viên tại đây cho biết, sau khi một chi nhánh của ngân hàng bị xử phạt thì giờ không nhân viên nào dám “đi đêm” nữa. Bên cạnh đó, tất cả những khoản khuyến mại của ngân hàng trước đó cũng bị dừng lại hết.

Chính ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cũng cho biết, ông đã cho nhân viên của Ngân hàng một nam, một nữ đóng giả làm vợ chồng đến một ngân hàng đã bị “tố” về việc huy động lãi suất vượt trần nhưng khi đến nơi vẫn không thể khai thác được thông tin./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần