Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sông Sài Gòn - hiện thực hóa giấc mơ tỷ đô

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sông Sài Gòn đoạn chảy dọc trên địa phận TP Hồ Chí Minh dài khoảng 80km, có giá trị kinh tế, tinh thần và tiềm năng rất lớn.

Định hướng phát triển sông Sài Gòn là lấy không gian ven sông làm “mặt tiền” để phát triển dải đô thị hiện đại, thu hút mạnh mẽ FDI. Ảnh: Hoàng Anh
Định hướng phát triển sông Sài Gòn là lấy không gian ven sông làm “mặt tiền” để phát triển dải đô thị hiện đại, thu hút mạnh mẽ FDI. Ảnh: Hoàng Anh

Tại hội thảo “Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Sein” được tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, định hướng của việc phát triển sông Sài Gòn là lấy không gian ven sông làm “mặt tiền” để phát triển dải đô thị hiện đại, thu hút mạnh mẽ FDI, ưu tiên triển khai các hạng mục công trình công cộng, thương mại, dịch vụ, công viên, vận tải du lịch.

Lộ trình đã mở

Để vạch rõ lộ trình phát triển, UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch triển khai “Đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP Hồ Chí Minh”. Theo đó, các cơ quan chức năng của TP sẽ rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất dọc sông Sài Gòn để bảo đảm phù hợp với định hướng xây dựng hạ tầng xanh, định hướng giao thông mang tính kết nối cao và các khu đô thị hiện đại, dịch vụ tiện ích. Dự kiến, giai đoạn 2020 - 2045, khu vực bờ Đông từ cầu Sài Gòn đến cầu đảo Kim Cương và bờ Tây từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận sẽ được ưu tiên thực hiện trước. Theo đó, sẽ kéo theo các ngành kinh tế dịch vụ có tiềm năng phát triển ven sông như: giao thông vận tải đường thủy; du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, làng nghề; du lịch đường thủy; khách sạn, ẩm thực; giải trí, du thuyền, thể thao với dự kiến nguồn lợi mang lại hàng tỷ USD mỗi năm.

“Sông Sài Gòn là tài sản vô giá mà TP Hồ Chí Minh đang sở hữu, hoàn toàn có thể trở thành dòng sông di sản, văn hóa, giao thông và kinh tế như sông Chao Phraya (Bangkok), sông Hoàng Phố (Thượng Hải), sông Hàn (Seoul)… mang lại giá trị khai thác hàng tỷ USD mỗi năm nếu chúng ta có các giải pháp từ tổng thể đến chi tiết, vừa làm vừa tiếp thu kinh nghiệm quốc tế”- TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận định.

Cũng theo TS Vũ Đình Ánh, bắt đầu từ năm 1980 -1990, Seoul làm nên “Kỳ tích sông Hàn” trên các phương tiện truyền thông quốc tế để ghi nhận một sự nhảy vọt đến kinh ngạc về kinh tế. Trung Quốc hãnh diện về danh hiệu “Kỳ tích sông Hoàng Phố” khi Phố Đông của Thượng Hải xuất hiện năm 1990. Người dân TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có cơ sở để mong chờ “Kỳ tích sông Sài Gòn”.

Phát huy không gian ven sông

Ngay từ khi mới thành lập vào năm 2020, TP Thủ Đức đã xây dựng các chương trình trọng tâm để phát huy thế mạnh kinh tế ven sông. Chia sẻ với báo giới tại một cuộc tọa đàm gần đây, Trưởng phòng Kinh tế UBND TP Thủ Đức Nguyễn Văn Dũng cho biết, lãnh đạo TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khảo sát dọc sông Sài Gòn, lên chương trình cụ thể để xây dựng không gian đô thị dọc bờ sông, đáp ứng không gian kiến trúc, phát triển kinh tế ven sông, gắn với du lịch. Nhiều khu công viên đẳng cấp đã đi vào hoạt động, thu hút đông du khách. Đồng thời, TP Thủ Đức cũng vạch ra lộ trình phát triển kinh tế gắn với bốn trung tâm logistic của địa phương.

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã có những chương trình cụ thể, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng sông. Đại diện Sở Du lịch chia sẻ, Sở xác định phát triển nhanh, mạnh các sản phẩm du lịch đường thủy. Để làm được điều này, Sở Du lịch đã và đang phối hợp của các sở, ngành khác như Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở QHKT để triển khai đồng bộ từ bến bãi, cầu tàu, bến neo đậu. Từ đó, thu hút nguồn đầu tư từ các đơn vị cùng tham gia vào chuỗi sản phẩm du lịch này.

Trong khi đó, các chủ nhà đầu tư bất động sản ven sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Thủ Thiêm) như Vinhomes, Saigon Pearl đã và đang hoàn thiện những dự án góp phần nâng giá trị không gian mặt sông Sài Gòn như: khu đô thị có đẳng cấp Vinhomes Golden River (Quận 1), dự án Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh), dự án Đảo Kim Cương, Palm City và Thảo Điền Pearl (Thủ Đức), dự án Saigon Royal và The Goldview (Quận 4).

Nhờ nhanh chóng hoàn thiện các con đường ven sông, các tòa cao ốc văn phòng đã hoàn thiện với tốc độ nhanh tại khu vực trung tâm Thủ Đức và Quận 1, hầu hết đạt hạng A đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuê và đặt văn phòng đại diện. Bà Trịnh Kim Anh (Việt kiều Nhật), một nhà đầu tư bất động sản cho hay, đối với người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng, địa ốc ven sông luôn được đánh giá đắc địa nhất bởi xét theo phong thủy, mặt nước là yếu tố mang tới sự thịnh vượng.

Những tiêu chí này cũng đã từng thể hiện rõ tại Đà Nẵng khi xuất hiện dự án địa ốc sở hữu không gian sống cạnh sông được người mua săn tìm. Bởi vậy, theo bà Trịnh Kim Anh, TP Hồ Chí Minh đang nắm bắt nhanh nhạy xu hướng này và đang có những giải pháp tốt để đạt lợi ích hài hòa cho cả nhà đầu tư, người dân và địa phương.

Chia sẻ với báo giới, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết, Sở đã lên kế hoạch nghiên cứu đường ven sông Sài Gòn có độ dài 80km để kết nối với vùng Đông Nam bộ, trước mắt là đoạn từ cầu Thủ Thiêm tới cầu Bình Triệu dài khoảng khoảng 4 km. Theo đó, đường ven sông này mở thí điểm để phát triển các khu đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch.

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của TP Hồ Chí Minh cho thấy, mối quan hệ gắn kết với sông Sài Gòn, đã tạo nên một TP cảng là đầu mối giao thương kết nối với vùng Đông Nam Bộ và các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như thế giới. Văn hóa sông nước đã thấm vào trong cuộc sống và tâm hồn của cư dân, chi phối sâu sắc mọi khía cạnh của sự phát triển từ kinh tế, xã hội, đời sống, kiến trúc.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh xác định, sông Sài Gòn là trung tâm của quy hoạch thời kỳ mới và đang khẩn trương, nỗ lực để các ý tưởng thành hiện thực đúng như tinh thần Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã chia sẻ tại hội thảo “Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Sein” rằng: “Sông Sài Gòn thực sự có tiềm năng vô cùng to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo TP khẳng định mong muốn và khẩn trương khai thác tiềm năng kinh tế và bảo tồn nét đẹp của con sông này”.