Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sóng sáp nhập ngân hàng lại nổi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng đang nóng lên bởi các phương án "về chung nhà" dồn dập của các ngân hàng. "Gánh" thêm ngân hàng nhỏ với tỷ lệ nợ xấu lớn, quản trị rủi ro kém, ngân hàng mới sau sáp nhập liệu có bị níu chân?

Nhiều phương án

Một nội dung quan trọng trong tài liệu công bố trước thềm ĐHCĐ của nhiều ngân hàng là phương án sáp nhập với ngân hàng khác.

Trong tờ trình ĐHCĐ thường niên năm 2014 (tổ chức ngày 19/4), Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) cho biết, sẽ thông qua việc sáp nhập một tổ chức tín dụng khác vào ngân hàng này. Nhiều nguồn tin cho biết, tổ chức tín dụng được sáp nhập vào Maritime Bank có thể là Ngân hàng TMCP Mê Kong (MD Bank). Hiện, Maritime Bank là cổ đông lớn của MDbank (10,16%) và hai ngân hàng này cũng có cùng một số cổ đông lớn. 

Ngày 16/4, câu chuyện sáp nhập vào Sacombank cũng sẽ được bàn đến tại ĐHCĐ của Ngân hàng Phương Nam (Sounthernbank). Trước đó, ĐHCĐ của Sacombank đã đồng ý sáp nhập vào Southernbank. Bên cạnh phương án "về chung nhà" khi sáp nhập, nhiều hình thức sáp nhập khác cũng được các ngân hàng đưa ra. Theo tờ trình ĐHCĐ của Ngân hàng Dầu khí (GP Bank), phương án sáp nhập vào Vietin Bank theo mô hình ngân hàng trực thuộc ngân hàng (GP Bank là đơn vị trực thuộc Vietin Bank) đang được đưa ra để xin ý kiến. Hai bên sẽ thực hiện hoán đổi cổ phiếu và tỷ lệ nắm giữ của Vietin Bank tại PG Bank vào khoảng 99%. Cổ đông ngân hàng này cũng ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu nhưng phải bảo đảm không thấp hơn mức 1 cổ phiếu PG Bank đổi lấy 0,82 cổ phiếu Vietin Bank.

Nhiều ngân hàng lớn khác như Vietcombank, Ngân hàng Quân đội (MB)… cũng tính chuyện sẽ sáp nhập thêm ngân hàng khác vào.

 
Khách hàng giao dịch tại nột chi nhánh HD Bank.
Khách hàng giao dịch tại nột chi nhánh HD Bank.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, dự kiến năm 2014, NHNN sẽ tiếp tục xử lý 6 - 7 ngân hàng thông qua việc hợp nhất, sáp nhập. Qua đó, số ngân hàng bị giải thể, rút giấy phép từ trước đến nay sẽ lên con số 7 - 10 đơn vị. Từ cuối năm 2011 đến nay, NHNN đã xử lý 9 ngân hàng yếu kém. Một số cái tên đã rút khỏi thị trường bằng biện pháp hợp nhất, sáp nhập như Habubank (sáp nhập vào SHB), Westernbank (hợp nhất với Công ty Tài chính PVFC), Tín Nghĩa, Đệ Nhất (hợp nhất cùng SCB).

Ngân hàng sau sáp nhập có nặng gánh?

Việc hợp nhất, sáp nhập được đánh giá là giải pháp để các ngân hàng tăng cường quy mô, mạng lưới nhằm nâng cao tiềm lực về tài chính cũng như quản trị. Tuy nhiên, khi "gánh" thêm một ngân hàng yếu, nợ xấu cao, quản trị rủi ro kém…, ngân hàng "hậu" sáp nhập có thêm nặng gánh? Đó là câu hỏi đang được nhiều cổ đông đặt ra.

Tại ĐHCĐ Sacombank ngày 25/3, các cổ đông Sacombank phản ứng khá gay gắt với phương án đưa Southernbank về với Sacombank. "Southernbank có tỷ lệ nợ xấu cao nên việc sáp nhập ngân hàng này sẽ không giúp cho Sacombank tăng sức cạnh tranh. Sacombank liệu có còn vững mạnh không khi gồng gánh thêm một ngân hàng yếu kém như Phương Nam?" - một cổ đông Sacombank lên tiếng. Tính đến ngày 31/12/2013, Sounthernbank có 1.605 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 3,7% trên tổng dư nợ và tăng 288 tỷ đồng so với cuối 2012.

Theo TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, có thể trước mắt, sau sáp nhập giữa ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn sẽ khiến hoạt động của ngân hàng mới gặp khó khăn do phải gánh thêm khoản nợ xấu. Tuy nhiên, ông Kiêm cho rằng, đó cũng là lẽ thường mà các thương vụ mua bán, sáp nhập trước đã thực hiện thành công như DaiAbank sáp nhập với HD Bank hay Habubank sáp nhập với SHB. Cái được mà các thương vụ sáp nhập, hợp nhất mang lại là các ngân hàng mới sẽ tăng quy mô tổng tài sản, vốn, mạng lưới, con người. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần sự giám sát của NHNN thời kỳ "hậu" sáp nhập, hợp nhất để một cộng một lớn hơn hai chứ không phải là một tổ chức to hơn, cồng kềnh hơn nhưng hiệu quả hoạt động kinh doanh lại kém hơn.