Vô tư lấn chiếm hành lang Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn đường sắt chạy qua khu vực dân cư thuộc 4 tổ 9, 12, 13 và 15 (phường Thượng Thanh) nằm sát khu nhà dân. Nhiều đoạn khoảng cách từ nhà dân tới đường ray chỉ nửa mét. Đây là lộ trình của đoàn tàu chở dầu từ Ga Gia Lâm tới Kho chứa xăng dầu Đức Giang, quận Long Biên. Song song với trục đường sắt là tuyến đường bê tông kết nối các tổ dân phố phường Thượng Thanh.
Dừng đỗ xe trên đường ray bất chấp nguy hiểm. |
Dọc tuyến đường, người dân vô tư dựng, dừng đỗ xe máy trên đường ray, trẻ con hồn nhiên biến đường ray xe lửa thành sân chơi… Biển hiệu quảng cáo của nhiều hộ dựng ngay cạnh tuyến đường. Vật liệu xây dựng cũng được tập kết ngay sát bên cạnh đường ray. Theo quan sát, toàn tuyến có một điểm giao cắt lớn tại ngã tư phố Thượng Thanh và gần chục điểm giao cắt đi ra từ những ngõ, hẻm nhỏ trên địa bàn phường. Tình trạng giao thông tại các nút giao với đường sắt rẽ vào khu dân cư rất lộn xộn do không có rào chắn, biển cảnh báo, đèn tín hiệu giao thông…
Khi đang tìm hiểu thực tế, chúng tôi gặp một đoàn tàu chở dầu đang chạy với tốc độ rất chậm hướng về phía cánh đồng phường Đức Giang. Hình ảnh mà chúng tôi ghi nhớ nhất là có một người… chạy trước đoàn tàu để vẫy cờ, thổi còi ra hiệu, cảnh báo cho người dân. Người đàn ông này cũng kiêm luôn nhiệm vụ cùng người dân dọn dẹp chướng ngại vật trên đường để lấy lối đi cho đoàn tàu. Thi thoảng, đoàn tàu lại phải dừng lại để nhân viên theo đoàn dắt chiếc xe dựng trên đường ray, bế em nhỏ đang chơi sát đường ray ra khỏi hành lang hoặc dỡ tấm bạt chủ cửa hàng nào đó căng ra che mưa nắng… Chị Bùi Thị Tâm - chủ hàng trà nước sống tại tổ 15 (phường Thượng Thanh) hài hước nói: "Chắc chẳng ở đâu mà xe lửa phải "nhường" lối đi cho người dân như ở đây…". Mặc dù đoàn tàu chạy với tốc độ khá chậm và thường "nhường đường" cho người dân nhưng va chạm vẫn thường xuyên xảy ra do người dân đi ra từ những ngõ hẻm nằm ngay sát đường ray không có biển cảnh báo, thiếu chú ý quan sát, hoặc lưu thông với tốc độ cao, không kịp né tránh. Siết chặt việc quản lý Bên cạnh tuyến đường sắt chuyên dụng vận chuyển xăng dầu này, hiện trên địa bàn phường Thượng Thanh còn ba điểm không có rào chắn giao cắt với đường sắt chở hành khách và hàng hóa tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, gồm các nút giao với tổ 10, tổ 22 và tổ 25. Trong đó, điểm giao cắt với tổ 22 thậm chí còn không có đèn tín hiệu cảnh báo. Theo phản ánh của nhiều người dân, do không có rào chắn, trong khi đèn tín hiệu thì chập chờn nên va chạm giao thông thường xuyên xảy ra, nhiều trường hợp gây thương vong. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Khánh Minh - cán bộ chuyên trách quản lý đô thị phường Thượng Thanh (quận Long Biên) cho biết, công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân về những mối nguy hiểm có thể xảy đến khi vi phạm hành lang ATGT đường sắt vẫn được phường tích cực thực hiện thông qua hệ thống loa phát thanh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn "bỏ ngoài tai" những khuyến cáo đó. UBND phường cũng thường xuyên chỉ đạo lực lượng công an, tự quản tổ chức kiểm tra, xử lý đối với các hộ lấn chiếm hành lang đường sắt. Nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, những vi phạm lại… đâu vào đấy! Việc vi phạm của nhiều hộ dân bên hành lang đường sắt đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Bên cạnh ý thức tự giác chưa cao cũng như sự thờ ơ của người dân với những nguy hiểm có thể xảy ra. Có thể thấy, các cơ quan chức năng tại địa phương dường như chưa thực sự quyết liệt trong giải quyết vấn nạn này. Ông Nguyễn Khánh Minh chia sẻ, gần 5 năm qua, UBND phường đã nhiều lần kiến nghị lên đơn vị quản lý tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn về việc lắp đặt rào chắn, biển cảnh báo; tuy nhiên chỉ nhận được câu trả lời chung chung, kiểu như: Điểm giao cắt chưa đủ điều kiện lập rào chắn… Những bất cập liên quan tới an toàn đường sắt trên địa bàn phường Thượng Thanh đã diễn ra trong một thời gian dài. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng vạn cư dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường sắt. Chính vì vậy, rất mong các đơn vị quản lý tuyến đường chở dầu chuyên dụng, cũng như tuyến Hà Nội - Lạng Sơn qua địa phận phường lưu tâm, sớm tìm ra phương án nhằm khắc phục tồn tại hiện nay, đảm bảo an toàn cho những cung đường này.
"Tàu hỏa phải "nhường" lối đi cho người dân là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên, đây là đường ray chuyên dùng vận chuyển xăng dầu từ Ga Gia Lâm đến Kho xăng dầu Đức Giang (Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam) chứ không phải là đường ray của đường sắt Việt Nam. Trước tình trạng này, lãnh đạo Ga Gia Lâm cũng đã nhiều lần làm việc với chính quyền địa phương yêu cầu xử lý nghiêm. Nhưng, không hiểu vì lý do gì mà tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm." - Ông Phạm Văn BìnhTrưởng ban ATGT đường sắt |
Theo thống kê của Ban ATGT đường sắt, hiện nay, cả nước có 6.000 đường ngang, trong đó chỉ có 1.500 đường ngang hợp pháp (hơn 600 đường ngang có gác, hơn 300 đường ngang có hệ thống cảnh báo tự động, 600 có cảnh báo) và 4.500 đường ngang dân sinh không hợp pháp. |