Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự cố môi trường kìm hãm tăng trưởng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/7, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 50, cho ý kiến về tình hình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự cố môi trường biển cũng là một trong những vấn đề nghiêm trọng kìm hãm sự tăng trưởng.

Tăng trưởng khó đạt 6,7%

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (6,32%). Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18% trong khi cùng kỳ tăng 2,22%, riêng khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 6,35%, nhưng chưa có sự cải thiện mạnh mẽ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng nhận định: "Năm nay tăng trưởng 6,2 - 6,3% là tốt, 6,5% là quá tốt, còn 6,7% là không khả thi".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN
Lần đầu tiên trong rất nhiều năm trở lại đây, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng âm. Trong đó, khai thác thủy, hải sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng đối với vụ cá chết hàng loạt. Hải sản khai thác khó tiêu thụ, người dân phải dừng đánh bắt ở vùng ven bờ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, để đạt mức tăng trưởng như chỉ tiêu Quốc hội giao, GDP 6 tháng cuối năm sẽ phải tăng gần 7,6%. Điều này là khó khả thi, đặc biệt trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa trong 6 tháng cuối năm. Vấn đề quản lý đầu tư, khai thác thu phí chưa minh bạch và mật độ trạm thu phí trên QL1A quá dày đối với các dự án BOT gây bức xúc cho DN và người dân.
Thu ngân sách khó khăn, nợ xấu thực chất ở mức cao

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 476,8 ngàn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, thấp hơn tiến độ thu cùng kỳ năm trước (49%). Nợ công và nợ bảo lãnh Chính phủ tăng cao. Nợ xấu ngân hàng đến cuối tháng 4/2016 là 2,81% so với tổng dư nợ. Tuy nhiên, thực chất ở mức cao nếu tính cả nợ chuyển bán sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đến tháng 5/2016 là 246.986 tỷ đồng (chỉ khoản chuyển này tương đương gần 5% so với tổng dư nợ).

Cũng thể hiện sự lo ngại trước tiến độ thực hiện cổ phần hóa DN Nhà nước chậm chạp, làm lãng phí và sử dụng kém hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, ông Giàu dẫn chứng: “6 tháng đầu năm chỉ có 38 DN Nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp công lập được cổ phần hóa. Tỷ trọng cổ phần Nhà nước nắm giữ quá cao, quá trình cổ phần hóa vẫn gặp khó với vướng mắc lớn nhất là phụ thuộc vào người đứng đầu và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN”.

Quan ngại về ô nhiễm môi trường

Băn khoăn trước việc GDP khó có thể đạt như Nghị quyết của Quốc hội là 6,7%, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị: Chính phủ cần đánh giá sâu và cụ thể hơn nữa vấn đề này. Bởi tác động đến GDP rất lớn chính là vụ việc liên quan đến Formosa, nhưng báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa rõ. Vụ việc này đến nay đã được phối hợp giải quyết tốt nhưng tiềm ẩn còn nhiều vấn đề. “Bao giờ khắc phục được môi trường biển để nghề cá và du lịch tiếp tục phát triển?” - Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng bày tỏ quan ngại về việc các DN hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Không chỉ sự việc mới xảy ra tại Formosa, những vụ việc trước đó như Vedan, Sonadezi Đồng Nai, Hào Dương… cho thấy cần phải xem xét lại công tác đánh giá tác động môi trường trong quy trình cấp phép, phê duyệt dự án. Đồng thời đề nghị rà soát lại tất cả các báo cáo đánh giá tác động môi trường ở các dự án mà dư luận đặt nghi vấn về vấn đề gây ô nhiễm. Bởi đây là hàng rào, là cánh cửa đầu tiên để quản lý,  nhưng nhiều báo cáo đánh giá tác động không đầy đủ, chi tiết, thậm chí có nhiều bản còn được cóp, cắt, dán lại thông tin từ các dự án khác, sao chép cho đủ hình thức để đối phó với cơ quan chức năng. “Lọt cửa thẩm định này, việc hậu kiểm với các dự án khó hiệu quả” - bà Nga bày tỏ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng nêu vấn đề: Việc ô nhiễm biển tại 4 tỉnh miền Trung ảnh hưởng đến vấn đề du lịch của nước ta. Tuy nhiên, giải pháp vẫn chưa nêu ra được hướng khắc phục. Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận: Đến nay ở 4 tỉnh bị ảnh hưởng, các nhà hàng vẫn chưa ai dám đến ăn; kể cả dân bản địa, khách du lịch cũng chưa dám tắm, chính người dân và cán bộ ở đó cũng chưa trở lại sinh hoạt bình thường. Trong báo cáo của Chính phủ trình UBTV Quốc hội chưa nêu giải pháp cho vấn đề này, nhưng trong tuần này, Chính phủ sẽ họp bàn về phát triển du lịch, chắc chắn sẽ tìm giải pháp cụ thể hơn cho 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong giai đoạn có rất nhiều việc lớn, điều đáng ghi nhận là bộ máy mới đã vào cuộc thông suốt; xử lý các sự cố một cách có trách nhiệm, nhờ đó ổn định được tình hình vĩ mô. Đồng thời lưu ý nhiều công việc cần được chú trọng giải quyết trong thời gian tới, bao gồm việc nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách; tiếp tục kiểm soát chi; từng bước giảm nợ xấu ngân hàng một cách thực chất; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư...
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Formosa Hà Tĩnh có 53 hành vi vi phạm

Ngày 11/7, vấn đề khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung do sự cố xả thải của Formosa Hà Tĩnh được nhiều thành viên UBTV Quốc hội đặc biệt quan tâm và cho rằng, ngoài việc triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục hậu quả môi trường, cần nhìn lại và đánh giá khách quan về nguyên nhân.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, Formosa đang chạy thử nghiệm, các cơ quan quản lý Nhà nước vào kiểm tra để cho phép hoạt động. 6 nhà thầu của Formosa có liên quan đến xử lý xả thải, đều là từ Trung Quốc. Qua công tác kiểm tra tại Formosa Hà Tĩnh, cơ quan chức năng đã phát hiện 53 hành vi vi phạm. Cụ thể là các vấn đề liên quan đến thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công, hay qua giai đoạn thử nghiệm có dấu hiệu xảy ra sự cố liên quan đến điện, liên quan đến việc triển khai các hệ thống xử lý chưa đáp ứng theo đúng quy trình, chưa đúng quy định của pháp luật và quy định của cơ quan quản lý. “Trong đó, có một hành vi rất nghiêm trọng là Formosa đã tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc từ xử lý khô sang công nghệ ướt – là công nghệ xử lý có rất nhiều chất thải. Công nghệ này hoàn toàn do họ tự ý điều chỉnh. Tuy nhiên, việc sửa đổi công nghệ này không liên quan đến sự cố môi trường vừa qua” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói rõ thêm.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, dự án đang trong giai đoạn chạy thử. Nơi có nguồn thải nguy hiểm nhất là lò luyện cốc, song mới chỉ có 1/4 lượng nước thải ra được xử lý ở trạm sinh hóa. Trên thực tế, nếu vận hành, đúng quy định và được kiểm tra chặt chẽ thì dự án này hoàn toàn có thể đáp ứng được việc kiểm soát và xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Sau khi Formosa thừa nhận trách nhiệm và khắc phục hậu quả, Chính phủ đã triển khai đồng bộ các công việc liên quan đến kiểm soát, giám sát và yêu cầu Formosa khắc phục các tồn tại. (Hà Bình)