Sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez: Thúc đẩy việc chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ông chủ của hãng tàu chở hàng lớn nhất thế giới, việc kênh đào Suez bị tắc nghẽn vừa qua là tiếng chuông cảnh tỉnh để thúc đẩy sự chuyển dịch toàn cầu khỏi chuỗi cung ứng kịp thời.

Hình ảnh tàu Ever Given mắc kẹt trên kênh đào Suez. Ảnh: AP
Từ kịp thời đến thích nghi
Financial Times dẫn lời Soren Skou - Giám đốc điều hành của Tập đoàn AP Moller-Maersk nhận định rằng, thực tế các DN hiện đã thay đổi chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19. Theo đó, DN chuyển khỏi các nhà cung cấp đơn lẻ và suy nghĩ lại về sự phụ thuộc vào những nguồn cung ứng kịp thời (just-in-time), tức là các linh kiện, cấu phần được phân phối đến các nhà máy chỉ vào thời điểm cần thiết. Thay vào đó, các công ty đang áp dụng các chuỗi cung ứng thích nghi (just-in-case), giữ lượng hàng tồn kho cao hơn nhiều để tránh nguồn cung bị thiếu hụt do gián đoạn. Sự dịch chuyển này nhằm thích nghi với việc đại dịch Covid-19 đang làm nguồn cung trên thế giới bị gián đoạn. Sự cố tại kênh đạo Suez cũng thêm một cú hích mới.

Tập đoàn Maersk có hàng chục tàu trong số hàng trăm tàu ​​bị mắc kẹt ở kênh đào Suez trong sự cố vừa qua. Trong số đó, 15 tàu đã chuyển hướng qua Nam Phi, đồng nghĩa kéo dài thêm 10 ngày. Trước sự cố này, Maersk cũng bắt đầu xem xét chuyển sang việc sử dụng vận tải hàng không để chuyển các phân khúc hàng hóa quan trọng cho khách hàng. Tập đoàn Đan Mạch có kết nối thương mại trên toàn cầu, với 1/5 lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, cung ứng hàng hóa cho nhiều công ty lớn nhất thế giới như H&M, Nike và Unilever.

CEO của Maersk cũng bổ sung rằng các công ty cũng đang chuyển dần khỏi việc phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất. Nhiều nhà phân tích chuỗi cung ứng nhất trí rằng các nhà sản xuất và bán lẻ đang chuyển hướng sang mô hình thích nghi nhưng điều này cũng đồng nghĩa với tăng gánh nặng hàng tồn kho đối với các nhà cung cấp thiếu tiền mặt.

Cơ hội cho những người chơi mới

Giá cước vận tải đã tăng vọt trong những tháng gần đây, do các công ty trên toàn thế giới tăng lượng hàng tồn kho dự trữ. “Các nhà bán lẻ đã ngừng mua hàng vào mùa Xuân năm 2020, trong khi hiện nay lại cố gắng nhập hàng cùng lúc với nhu cầu cao” - ông Skou cho biết. Ông chủ của Maersk cũng nhận định khả năng giá cước vận tải sẽ còn tăng hơn nữa do một lượng lớn các tàu chở hàng vừa qua đã buộc phải chuyển hướng sang tuyến đường dài hơn trong 6 ngày kênh đào Suez bị tắc nghẽn. Theo Ports Europe, kênh thông tin chuyên về vận tải toàn cầu, hơn 5% trong số các tàu vận chuyển toàn cầu bị trì hoãn ở hai đầu kênh đào Suez hoặc phải vòng qua Mũi Hảo Vọng.

Sự cố của Suez mặt khác đem lại cơ hội giúp Nga quảng bá tuyến vận tải phương Bắc (NSR), một hành lang hàng hải Bắc Cực mà Nga đang đặt cược lớn. Theo đó, quan chức phụ trách Bắc Cực của Nga khẳng định rằng các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tính tới kịch bản phong tỏa kênh đào Suez để cân nhắc kế hoạch chiến lược dài hạn. Nga đã đầu tư mạnh tay vào tuyến Biển Bắc, giảm 7.400km lộ trình giữa châu Âu và châu Á so với tuyến kênh đào Suez. Tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2018 đã yêu cầu đến năm 2024, vận tải hàng hóa qua tuyến Biển Bắc phải tăng lên 80 triệu tấn, tăng so với 11 triệu tấn năm 2017. Bộ Năng lượng Nga ngày 29/3 cũng cho biết, vận tải hàng hóa qua tuyến này năm 2020 đạt gần 33 triệu tấn và có tiềm năng lớn sẽ tăng mạnh sau sự cố ở kênh đào Suez.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần