Sự cố Thủy điện Sông Bung 2: Chất lượng công trình có vấn đề?

Theo VOV.vn
Chia sẻ Zalo

Nhà đầu tư đổ lỗi do lũ to, trong khi một số chuyên gia, nhà khoa học lại cho rằng, lũ không phải nguyên nhân gây ra sự cố

Mới hơn nửa tháng sau khi được Hội đồng nghiệm thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiệm thu và chỉ qua một cơn lũ chưa lớn ở miền Trung mà đường hầm dẫn dòng thi công của Thủy điện Sông Bung 2 tỉnh Quảng Nam bị bục vỡ. Nói về sự cố này, nhà đầu tư đã đổ lỗi do biến đổi khí hậu, lũ to và khẳng định công trình vẫn an toàn. Trong khi đó, một số chuyên gia, nhà khoa học lại cho rằng, lũ không phải nguyên nhân gây ra sự cố này. Có người đặt nghi vấn về chất lượng công trình.
Cống dẫn dòng bị lấp đầy nước.
Cống dẫn dòng bị lấp đầy nước.
Ông Lê Trí Tập, chuyên gia thủy lợi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, mưa lũ do bão số 4 vừa qua là không lớn, không bất thường. Bằng chứng là mực nước ở các sông đều ở dưới mức báo động I. Vì vậy chủ đầu tư đổ lỗi do mưa lớn dẫn đến vỡ cửa van số 2 hầm dẫn dòng thi công của Thủy điện sông Bung 2 là không ổn.

Theo ông Lê Trí Tập, thực tế là nhà đầu tư đã đóng van lại để tích nước thì nguyên tắc là tấm van ấy phải chịu được áp lực nước lớn. Bởi dung tích hồ chứa là 94 triệu mét khối nước thì nếu lũ to hơn nữa tấm van đó phải chịu đựng được lũ lớn hơn nhiều. Trong khi đó, theo chủ đầu tư, thời điểm xảy ra sự cố trôi cửa van số 2 làm nước tràn vào Hầm dẫn dòng thì hồ chứa mới chỉ tích được 28 triệu mét khối nước mà tấm van nặng 125 tấn đã bị cuốn trôi, Phải chăng chất lượng công trình là có vấn đề.

Ông Lê Trí Tập cho rằng, cần phải có thời gian kiểm tra, rà soát quy trình tất cả các khâu từ thiết kế, thi công, chứ không thể đổ lỗi cho nguyên nhân thời tiết: “Đúng là có vấn đề rồi. Theo tôi đừng kết luận vội là do thiên tai bão lũ. Thực tế anh đóng van lại để tích nước thì cái van đó phải chịu lực được. Nhưng mới lên có chút xíu đã vỡ van rồi thì phải xem lại, phải kiểm tra đến nơi đến chốn thử cái gốc nó ở đâu. Anh đã có quyết định đóng van lại để tích nước để chuẩn bị phát điện. Chứ đừng đổ tại trời mưa”.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng việc đóng van Hầm dẫn dòng để tích nước không thể thực hiện trong mùa mưa lũ mà phải làm trong mùa khô. Theo ông Phạm Hồng Giang, lũ không phải là nguyên nhân gây ra sự cố Sông Bung 2. Bởi mức nước trong hồ lúc ấy rất thấp.

Ông Phạm Hồng Giang cho rằng nguyên nhân sâu xa của sự cố nước tràn vào hầm dẫn dòng có thể do chất lượng công trình: “Để khẳng định được nguyên nhân vụ việc phải có những khảo sát đánh giá thật nghiêm túc, từ khâu khảo sát, thiết kế cho đến thi công. Công trình vừa mới nghiệm thu và đánh giá chất lượng rồi. Rõ ràng là qua sự việc này đặt ra nhiều nghi vấn về chất lượng công trình. Chất lượng của đơn vị thi công cũng có nhiều nghi vấn cần đặt ra lúc này”.
Ngổn ngang sau sự cố Thủy điện Sông Bung 2.
Ngổn ngang sau sự cố Thủy điện Sông Bung 2.
Theo Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, thành viên mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, chủ đầu tư cho bít hầm dẫn dòng trong mùa mưa là không đúng. Ông Đào Trọng Tứ đặt câu hỏi vì sao Hội đồng nghiệm thu các cấp lại cho phép chủ đầu tư đắp đê quây hạ lưu hạng mục Hầm dẫn dòng ngay vào mùa mưa?.

Về phương pháp thi công, nhà thầu dùng 2 cửa van chắn nước nặng 125 tấn là không phù hợp. Bởi không tấm sắt nào có thể chịu được sức nước của mùa lũ. Ông Đào Trọng Tứ cho biết, nguyên tắc thi công là phải đắp đê quây để “hành kiệt” vào mùa khô. Hành kiệt là khâu thi công nhằm mục đích làm khô hầm dẫn dòng, sau đó mới bít lại hầm dẫn thì thi công này.

Theo ông Tứ, về nguyên tắc thi công cửa Hầm dẫn dòng phải mở để thoát nước lũ. Tiến sĩ Đào Trọng Tứ khẳng định, xảy ra sự cố nước cuốn trôi cánh van số 2 hầm dẫn dòng là có vấn đề về lỗi kỹ thuật: “Chưa kịp làm đê quây thi công thì nước vẫn phải về mà anh đã bắt đầu tích nước rồi. Điều đó là không đúng, nếu mà đóng cống dẫn dòng là không đúng. Thường thường người ta hành kiệt đường dẫn dòng vào mùa khô chứ anh hành kiệt vào mùa mưa thì anh “toi” rồi. Lũ là rất lớn, phải thoát nước ra phía sau chứ, phải có đường dẫn nước ra sông chứ, ai lại chặn dòng vào giữa lúc đang mưa như thế này, không phù hợp. Chưa đủ điều kiện tích nước mà đã tích nước là căng rồi. Nên câu chuyện này mình thấy có vấn đề”.

Trong khi đó, trả lời PV, ông Ngô Việt Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát điện 2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Bung 2 cho biết, để tích nước lòng hồ đã trải qua Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở, Hội đồng nghiệm thu cấp chủ đầu tư. Trước đây còn phải thông qua Hội đồng nghiệm thu cấp Quốc gia nhưng bây giờ đã giao cho UBND tỉnh. Sau khi kiểm tra đầy đủ các hồ sơ, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định cho tích nước hồ chứa.

Về trách nhiệm này, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, công trình thủy điện Sông Bung 2 do Hội đồng nghiệm thu của chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức nghiệm thu và thống nhất cho tích nước hồ chứa vào ngày 25/8/2016. Công trình nằm trong đề án an ninh năng lượng quốc gia, được Bộ Công thương phê duyệt nên thẩm quyền thuộc về Bộ này, tỉnh Quảng Nam không liên quan. Vậy là, giữa các bên liên quan đang đổ lỗi cho nhau?

Theo ông Ngô Việt Hải, chủ đầu tư đã bỏ ra hơn 5000 tỷ đồng xây dựng công trình này, rất nóng lòng để công trình sớm phát điện, sớm thu hồi vốn. Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình?. Nhà đầu tư muốn sớm thu lợi nhuận từ việc phát điện mà vội vàng tích nước?.

Trả lời câu hỏi về chất lượng công trình thủy điện Sông Bung 2, ông Ngô Việt Hải cho rằng: “Chúng tôi đang kiểm tra đánh giá lại toàn bộ nguyên nhân của sự cố này. Do vậy đến giờ này, về góc độ của chủ đầu tư, chúng tôi khẳng định không có sự bất cẩn trong thi công để xảy ra tình trạng này. Nhưng chúng tôi sẽ  kiểm tra lại theo đúng quy trình để xác định đó là nguyên nhân gì”.

Xin đừng đổ lỗi cho mưa lũ lớn. Vì với lượng mưa như vừa qua chưa phải to lắm ở miền núi tỉnh Quảng Nam. Dư luận mong rằng, các cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Từ đó, có biện pháp xử lý nghiêm minh những sai phạm dẫn đến sự cố này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần