Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, những khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội vẫn hiện hữu, các thông điệp về việc không hoang mang nhưng cũng không được phép lơ là, chủ quan, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch liên tục được đưa ra để có một "mùa Tết an toàn, ấm áp".
Trong không khí ấy, những tình cảm ấm áp, nghĩa tình trong dịp Tết đến, Xuân về vẫn luôn đủ đầy. Những phần quà Tết đang được các cấp, các ngành chuyển đến tay các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn mọi người, mọi nhà đều có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Với người lao động, đi qua một năm khó khăn bởi không ít người phải tạm nghỉ việc do DN ngừng hoạt động hoặc phải điều trị bệnh, cách ly y tế… tùy vào hoàn cảnh, mỗi người đều có những dự định riêng trong mùa Tết. Trong đó, không ít người chọn phương án gác lại niềm vui trở về quê sum vầy ngày Tết bên gia đình để tự nguyện ở lại nơi mình đang làm việc, không chỉ nhằm bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình, tránh di chuyển nhiều, mà còn bởi những lo toan mưu sinh, muốn có thêm thu nhập, bù vào khoảng thời gian đã phải nghỉ vì dịch.
Trước thực tiễn đó, các hoạt động chăm lo cho người lao động cũng đa dạng hơn, thay đổi để phù hợp thực tiễn. Đồng hành cùng DN và người lao động, với phương châm "tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết, vui Tết", các cấp công đoàn đang rà soát, nắm tình hình đời sống, đưa ra các chế độ chính sách trong dịp Tết. Tổng LĐLĐ Việt Nam dự kiến dành 2.400 tỷ đồng nguồn tài chính công đoàn hỗ trợ tiền Tết cho công nhân tại các DN bị ảnh hưởng bởi dịch. Dự kiến có khoảng 8 triệu người lao động sẽ được hỗ trợ với mức 300.000 đồng/người. Ngoài ra, những công nhân có hoàn cảnh khó khăn có thể được hỗ trợ thêm 1 - 2 triệu đồng/người từ nguồn xã hội hóa.
Căn cứ cấp độ dịch tại các địa phương, các cấp công đoàn cũng chủ động có các hoạt động chăm lo như: Tổ chức thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết người lao động, nhất là người lao động ở lại nơi làm việc, trong khu cách ly, mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà hoặc các cơ sở y tế… Ngoài ra, đoàn viên, người lao động còn được hỗ trợ phương tiện đưa đón hoặc vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để về quê ăn Tết và quay trở lại nơi làm việc.
Tại TP Hà Nội, những tình cảm ấm áp đó thể hiện qua nhiều hoạt động tình nghĩa, ấm áp, trách nhiệm, yêu thương của các đoàn thể, tổ chức, cá nhân. Dự kiến, từ nguồn kinh phí của TP và xã hội hóa, 10.000 phần quà sẽ được chuyển tới người lao động khó khăn. Cùng với sự quan tâm của TP, các cơ quan, DN, các tổ chức từ thiện và các tầng lớp Nhân dân đều có những hoạt động thiết thực chăm lo, tặng quà cho lao động khó khăn để Xuân đầm ấm hơn.
Công đoàn TP cũng sẽ triển khai chương trình “Tết sum vầy” năm 2022 trong những ngày sắp tới. Và đặc biệt, để hỗ trợ người lao động ở lại TP, không về quê, các hoạt động thống kê, để làm căn cứ phục vụ công tác chăm lo, hỗ trợ đang được tiến hành. Với sự phối hợp của chính quyền, các hoạt động hỗ trợ, động viên kịp thời những người lao động không về quê đón Tết, để mọi gia đình công nhân lao động đều có cái Tết đầm ấm, vui vẻ, an toàn, ý nghĩa trong dịp Tết Nhâm Dần này.