Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 10kg, tương đương 0,11% được sử dụng đúng mục đích, tức là phục vụ chữa bệnh cho người. Cơ quan chức năng nhận định, 6 tấn Salbutamol đã bị tuồn trái phép ra thị trường, sử dụng ngoài mục đích y tế, trong đó có cả việc được sử dụng làm chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi.
Vụ hàng tấn chất Salbutamol đã được nhập về Việt Nam và sử dụng trong chăn nuôi đe dọa đến sức khỏe con người đang làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ về sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Nhiều ý kiến cho rằng, phải tìm ra người chịu trách nhiệm về vụ việc này và cần sự phối hợp chặt hơn giữa các ngành.
Nguy hiểm với người sử dụng
Trước tình trạng sử dụng Salbutamol trái phép, tràn lan để làm chất tạo nạc trong chăn nuôi, người tiêu dùng (NTD) lo lắng, hoang mang vì sức khỏe bị đe dọa. Theo TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, các chất tạo nạc cho lợn thường có nguồn gốc từ nhóm B-agonist là Salbutamol, Chlebutarol. Đây là nhóm chất độc hại mà Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấm sử dụng nhiều năm nay. Người ăn phải sản phẩm có những chất cấm này, sau một thời gian tích lũy trong cơ thể sẽ bị nhiễm độc, run tay chân, lo lắng, đau đầu, rút cơ, khô họng và hồi hộp; hoặc mạch đập nhanh, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ cơ tim và rối loạn giấc ngủ và hành vi, thậm chí gây ung thư…
Chưa minh bạch thông tin
Những lùm xùm quanh chất Salbutamol chính là việc, dù bị liệt vào danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi nhưng vẫn được nhiều cơ sở chăn nuôi lén đưa vào thức ăn nhằm “thúc” gia súc, gia cầm tăng trọng lượng nhanh chóng. Vấn đề càng nóng khi chỉ một thời gian ngắn, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt mẫu thực phẩm có dư lượng kháng sinh và chất tạo nạc vượt quá mức cho phép hàng nghìn lần. Cùng với đó, nhiều chuyên án lớn cũng được xác lập và “bắt dính” nhiều đường dây chuyên cung cấp loại chất cấm này cho các cơ sở chăn nuôi.
Và từ đó, con số chất gây hại này được cung cấp. Cụ thể, năm 2014 - 2015, Bộ Y tế đã cho nhập khẩu tới hơn 9 tấn Salbutamol để phục vụ chữa bệnh ở người. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 10kg, tương đương 0,11% được sử dụng đúng mục đích, tức là phục vụ chữa bệnh cho người. Cơ quan chức năng nhận định, 6 tấn Salbutamol đã bị tuồn trái phép ra thị trường, sử dụng ngoài mục đích y tế, trong đó có cả việc được sử dụng làm chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi.
Trước thông này, ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) lý giải, việc cho nhập Salbutamol là theo Thông tư 47 của Bộ Y tế, rằng “được xem xét số lượng nhập khẩu trên cơ sở đề nghị của DN sản xuất thuốc, nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc, với mục tiêu đảm bảo tính linh hoạt và chủ động trong sản xuất thuốc phục vụ nhu cầu chữa bệnh”. Nhưng điều đáng nói, từ năm 2002, Bộ NN&PTNT đã cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng Salbutamol, vì việc sử dụng trong chăn nuôi sẽ tác động xấu đến sức khỏe con người. Trong khi đó, Cục Quản lý dược là đơn vị chuyên ngành, lại không nắm được tác dụng xấu của Salbutamol đối với đời sống và nhất là sức khỏe con người, để làm đúng chức năng là tham mưu, tư vấn cho Bộ Y tế, việc quản lý loại thuốc này phù hợp với tình hình, phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để quản chặt chất Salbutamol.
Bên cạnh đó, rõ ràng việc cho nhập theo yêu cầu của các DN “có vấn đề” khi chỉ hậu kiểm 6/10 cơ sở nhập khẩu Salbutamol đã phát hiện 4 cơ sở vi phạm trong việc bán nguyên liệu Salbutamol cho các cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định. Chỉ riêng Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông (số 7, ngõ 39/1 Pháo Đài Láng, Hà Nội) còn nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol nhiều hơn 200kg so với số lượng trên đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu thuốc đã được Cục Quản lý dược duyệt, đồng thời bán buôn nguyên liệu Salbutamol cho đơn vị, cá nhân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Như vậy, còn hàng ngàn kilôgam Salbutamol nữa đã nhập về Việt Nam thời gian qua được các DN sử dụng ra sao, Cục Quản lý dược đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Lỗ hổng từ sự lỏng lẻo trong quản lý
Dư luận đặt câu hỏi, trách nhiệm của 2 Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế ở đâu trong khi cả hai đều chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước. Cụ thể, Bộ Y tế không cung cấp được con số chính xác các DN sử dụng nguyên liệu Salbutamol đúng mục đích cũng như nhu cầu cần làm thuốc mỗi năm là bao nhiêu. Còn Bộ NN&PTNT cũng không đưa ra được con số Salbutamol đã bị đưa vào trong chăn nuôi là bao nhiêu, ở những cơ sở nào.
Đề cập đến trách nhiệm quản lý, TS Thịnh cho rằng, hiện Bộ NN&PTNT cấm dùng chất Salbutamol trong chăn nuôi nhưng Bộ Y tế lại cho nhập về làm thuốc, song lại không quản lý theo dạng phải quản lý chặt chẽ, để DN bán ra ngoài, sử dụng sai mục đích. Rõ ràng có sự lỏng lẻo trong quản lý, lỏng lẻo trong phối hợp, mạnh bộ nào bộ ấy làm nên mới xảy ra tình trạng như hiện nay. Theo TS Thịnh, cần phải có quy định của Chính phủ, những hoạt chất nhập khẩu mang tính chất độc hại phải được thông báo một cách rộng rãi. “Không chỉ mỗi lĩnh vực dược mà các lĩnh vực khác như thuốc bảo vệ thực vật. Bộ NN&PTNT cho nhập thì cũng phải thông qua Bộ Y tế hay cơ quan chức năng khác để kiểm duyệt. Còn bộ nào cũng xuề xòa rồi nhận trách nhiệm thì không rõ ràng, không sòng phẳng, vấn đề cơ bản là sinh mệnh của người dân” - TS Thịnh nhấn mạnh.
Trước vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên khẳng định, để chất cấm đầu độc sức khỏe người tiêu dùng phải có người chịu trách nhiệm trước dân. Vấn đề đặt ra là phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong công tác quản lý, những sản phẩm liên đới tới nhiều bộ, ngành, muốn quản lý phải có thông tư liên bộ. Còn ĐB Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) bày tỏ: “Tôi đề nghị Chính phủ phải vào cuộc và chỉ rõ ai phải chịu trách nhiệm về việc này, không thể để cho 2 bộ nói qua nói lại nữa. Tất nhiên, người dân cố ý sử dụng trái phép chất này trong chăn nuôi nhằm mục đích trục lợi có lỗi rất lớn, song chỉ đổ lỗi cho dân là không nên, bởi nếu quản lý chặt chẽ thì sẽ khắc phục được tình trạng này”.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 (ngày 26/3), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các bộ liên quan phối hợp tốt và chặt chẽ, hiện đã chặn đứng nguồn cung cấp chất cấm từ bên ngoài. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng lên tiếng: “Phối hợp tốt nhưng mọi người cứ phải ăn thực phẩm mất an toàn thì không thể chấp nhận được”. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đối với vấn đề ATTP, có vấn đề đạo đức của một bộ phận người kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, “nhưng nói đạo đức không đủ mà phải pháp trị”. |
Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra công tác VSATTP tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
|
Chuyển hồ sơ 3 DN bán Salbutamol sang Bộ Công an Theo tin từ Bộ Y tế, Bộ đã kiểm tra và phát hiện 4 công ty vi phạm bán nguyên liệu Salbutamol cho các đơn vị không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định. Bộ Y tế đã ban hành quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc đối với 4 công ty này. Riêng 3 công ty (Công ty TNHH Hóa dược Quốc tế Phương Đông, Công ty CP Dược Minh Hải, Công ty TNHH Hóa dược Minh Anh) được Bộ Y tế chuyển hồ sơ để Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) tiếp tục điều tra, làm rõ. |