Sử dụng tro xỉ công nghiệp làm vật liệu xây dựng: Tận dụng phế thải, bảo vệ môi trường

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự báo đến năm 2030 tổng lượng tro xỉ công nghiệp tích trữ ở Việt Nam vào khoảng trên 422 triệu tấn, trong đó lượng lớn thải ra từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than. Vì vậy, giải pháp dùng tro xỉ công nghiệp làm vật liệu xây dựng (VLXD) sẽ giúp tái chế, tái sử dụng hợp lý nguồn chất thải này.

Nan giải xử lý nguồn tro xỉ công nghiệp

Theo KS Tô Quang Long - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay trên địa bàn cả nước có trên 60 dự án nhà máy nhiệt điện than đã vận hành và đang trong quá trình xây dựng, xin cấp phép. Trong đó có 21 nhà máy đang hoạt động với công suất gần 14.500MW, trung bình để sản xuất 1kWh điện (sử dụng nhiên liệu than cám) sẽ thải ra từ 0,9 - 1,5kg tro xỉ, như vậy tổng lượng tro xỉ của những nhà máy này đang thải ra khoảng 15 triệu tấn/năm. “Theo Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh, dự kiến đến năm 2020 sản lượng của các nhà máy nhiệt điện than sẽ chiếm 42,7%, tăng lên 49,3% trong năm 2025. Tương ứng với đó là khối lượng tro xỉ phát sinh là 15 triệu tấn năm 2020, tăng lên 20 triệu tấn vào năm 2025. Đến năm 2030 khi có trên 40 nhà máy đi vào hoạt động sẽ thải ra 30 triệu tấn tro xỉ/năm, nâng tổng lượng tích trữ tro xỉ lên khoảng 422 triệu tấn. Vì vậy, việc tái chế nguồn chất thải này đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm” – KS Tô Quang Long cho hay.
 Dây chuyền sản xuất gạch không nung từ tro xỉ công nghiệp. Ảnh: Mai Vân
Ở nhiều nước trên thế giới, tro xỉ than từ nhà máy nhiệt điện được sử dụng hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất VLXD. Tại Pháp 99% tro xỉ than được tái sử dụng, Nhật Bản là 80%, Hàn Quốc là 85%, các quốc gia khác như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ... cũng có tỷ lệ tro xỉ nhiệt điện được tái sử dụng, tái chế lên tới trên 60%. “Việc tái chế, tái sử dụng tro xỉ công nghiệp trong quá trình đốt than để sản xuất nhiệt điện, luyện kim và sản xuất các nhiên liệu khác được Chính phủ nhiều nước yêu cầu như một điều kiện bắt buộc, vừa tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên mà không làm ảnh hưởng môi trường” – KS Tô Quang Long cho biết thêm.

Phó Giám đốc Phân viện VLXD miền Nam - TS Lê Văn Quang cho biết, qua nghiên cứu và kết quả kiểm nghiệm thực tế, tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than không phải là nguồn chất thải nguy hại, mà còn là nguồn nguyên liệu giá trị cho lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là ngành sản xuất VLXD. Nhằm giảm chi phí xử lý phế thải của ngành công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/2010/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển VLXD không nung đến năm 2020; Quyết định số 1696/2014/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD; Quyết định số 452/2017/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD... “Đây được xem là những căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước tập trung nghiên cứu việc tái chế, tái sử dụng tro xỉ than công nghiệp phục vụ các hoạt động kinh tế” – TS Lê Văn Quang nhìn nhận.

Giải pháp từ chất kết dính vô cơ

Trên cơ sở các Quyết định đã được ban hành, Chính phủ định hướng mục tiêu đến năm 2020 sẽ tái sử dụng 30% lượng tro, xỉ tồn chứa trong các bãi thải và tái sử dụng toàn bộ lượng tro xỉ phát thải hàng năm và VLXD không nung chiếm từ 30 – 40% tổng sản lượng VLXD. “Tuy nhiên, hệ thống tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng tro xỉ nhiệt điện còn thiếu, ngay cả với những ứng dụng có thể tiêu thụ số lượng lớn, giá trị cao như sử dụng cho bê tông, làm vật liệu thay thế trong sản xuất xi măng, gạch sét nung... Trong khi đó, tro xỉ từ các nhà máy sử dụng công nghệ đốt than hoàn toàn có thể sử dụng làm phụ gia trong sản xuất VLXD” - Phó Giám đốc Phân viện VLXD miền Nam TS Lê Văn Quang cho biết thêm.

Ở khía cạnh khác, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, do hạn chế về công nghệ đốt ở những nhà máy nhiệt điện, lượng than dư thừa trong tro xỉ còn cao, vì vậy muốn xử lý lượng than dư cần phải đầu tư tách chọn lọc ở mức dưới 5%, chi phí đầu tư lớn. Ngoài ra, khi tái chế cần sử dụng một lượng lớn xi măng làm chất kết dính dẫn tới việc gia tăng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm cao, sản phẩm chưa được phổ biến rộng rãi. “Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm thực tế chất kết dính vô cơ để tro xỉ thành khối rắn. Công nghệ này đặc biệt ở chỗ, không sử dụng xi măng, không cần phải loại bỏ than dư dưới 5%, mà chỉ sử dụng các khoáng chất tự nhiên sẵn có tại Việt Nam như sét, cao lanh, bùn phù sa... làm chất kết dính” - PGS.TS Trần Hồng Côn thông tin.

KTS Trần Huy Hoàng – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, nhu cầu phát triển của ngành VLXD trong giai đoạn hiện nay được Chính phủ đặt ra là đẩy mạnh sản xuất vật liệu xanh, VLXD thân thiện với môi trường. Việc nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào ứng dụng thực tế các loại vật liệu sử dụng nguyên liệu từ tro xỉ công nghiệp là hết sức cần thiết, phù hợp với định hướng, góp phần bảo vệ môi trường. “Mục tiêu trong Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg phê duyệt tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020, trong đó yêu cầu vật liệu không nung đến 2020 phải chiếm từ 30 - 40% tổng số VLXD trong cả nước. Đây cũng là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển vật liệu không nung sử dụng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện chạy than trong các năm tới. Vấn đề còn lại là sự quyết tâm vào cuộc của các cơ quan Nhà nước và sự tham gia tích cực của các DN” - KTS Trần Huy Hoàng nhìn nhận.

"Để giảm thiểu các ảnh hưởng tiềm tàng của tro xỉ, cần phải “đóng gói” chúng bằng cách tái chế thành các vật liệu khác. Có rất nhiều giải pháp sử dụng tái chế như: Sản xuất bê tông, làm vật liệu thay thế cho xi măng Portland, sử dụng để san lấp mặt bằng xây dựng đường giao thông, sản xuất clanhke xi măng (làm vật liệu thay thế cho đất sét), làm vật liệu cho sản xuất gạch không nung…" - Chuyên gia Hóa học, trường Đại học Bách khoa Hà Nội - TS Phạm Văn Huấn