Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Bộ Công Thương bãi bỏ hàng loạt thủ tục hành chính

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có tổng số 15 thủ tục hành chính được bãi bỏ và 108 thủ tục được đơn giản hóa.

Bãi bỏ thủ tục hành chính "hành" doanh nghiệp
Tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước năm 2017. Theo đó, Bộ bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thuộc phạm vi Bộ quản lý.
 
Các lĩnh vực đơn giản hoá gồm kiểm tra chất lượng thép sản xuất, nhập khẩu (5 thủ tục), thương mại quốc tế (3 thủ tục), công nghiệp nặng (2 thủ tục), sản xuất kinh doanh thuốc lá (6 thủ tục), kinh doanh khí (18 thủ tục), kinh doanh rượu (19 thủ tục), xăng dầu (15 thủ tục), an toàn thực phẩm (12 thủ tục), xuất nhập khẩu (8 thủ tục), xúc tiến thương mại (5 thủ tục)...
Tuy nhiên, Bộ Công Thương thừa nhận, là Bộ đa ngành đa lĩnh vực, Bộ Công Thương hiện quản lý tới 443 thủ tục hành chính tại 19 lĩnh vực, ở cả 4 cấp chính quyền (cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã), thì những nỗ lực đó là chưa đủ.
Mặt khác, cải cách thủ tục hành chính không chỉ là việc thủ tục hành chính đơn giản hơn mà còn cần minh bạch hóa và hiện đại hóa. Do đó, việc rà soát, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện để tiếp tục sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định là vô cùng cần thiết.
Trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định lấy ý kiến về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trong Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ dự kiến kiện toàn, tinh giản bộ máy cho phù hợp, sự cải cách hành chính sẽ diễn ra rất lớn trong việc tinh giảm từ 35 đầu mối xuống chỉ còn 28 đầu mối.
Công bố xếp hạng top 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2016
Tuần qua, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2016.
 
Tập đoàn dầu khí VN đứng đầu bảng danh sách top 10 DN lớn nhất, kế đến là Samsung VN, Viettel, Tập đoàn điện lực VN - EVN, Tập đoàn xăng dầu VN… Trong khi đó, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải đứng đầu top 10 DN tư nhân lớn nhất, kế đến là Vinamilk, Công ty cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, FPT, Vingroup…
Đánh giá của các DN lớn về tình hình sản xuất kinh doanh của DN 10 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015, phần lớn DN có nhận định tình hình sản xuất kinh doanh đều tăng lên về mọi mặt, tuy nhiên 16% DN có doanh thu giảm và 15% DN đánh giá lợi nhuận sau thuế giảm trong giai đoạn vừa qua.
Dự báo cho tình hình sản xuất kinh doanh của DN trong 3 tháng đầu năm 2017, các DN đánh giá khả quan đối với các mặt doanh thu, lợi nhuận và tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh nói chung, và cho rằng các kết quả sẽ tăng lên hoặc ổn định so với cùng kỳ năm 2016. Về kế hoạch kinh doanh của DN trong 2 năm tới, 76% DN phản hồi sẽ tăng quy mô kinh doanh, 19% có kế hoạch tăng và chỉ có 5% phản hồi giữ nguyên tình hình quy mô hiện tại.
Cơ quan công an điều tra sai phạm tại công ty đa cấp MLM
Tuần vừa rồi, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C44) đã có đề nghị tới Bộ Công Thương nhằm cung cấp toàn bộ tài liệu liên quan tới hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp của MLM Việt Nam nhằm kiểm tra, xác minh Đơn tố cáo doanh nghiệp này có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
Liên quan tới hoạt động của MLM Việt Nam, hôm 24/8 vừa qua, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của công ty này. Trước đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành quyết định xử phạt số tiền 350 triệu đồng do MLM Việt Nam đã vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Trong thời gian qua, trên cơ sở đơn khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp và phản ánh của truyền thông, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành điều tra, xác minh các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của MLM.
Quá trình thanh tra cũng cho thấy, đối với sản phẩm Cà phê dưỡng sinh MLM Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất và Thương mại MLM Việt Nam mua với giá 190.500 đồng (chưa bao gồm thuế VAT), nhưng công ty bán cho nhà phân phối với giá 575.000 đồng. Mức chệnh lệch mua vào- bán ra đối với sản phẩm này là 3 lần.
Hiệp hội Xăng dầu "đòi" Bộ Tài chính 57,6 tỷ đồng tiền thuế
Mới đây Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng xin chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn trả số tiền hơn 57,6 tỷ đồng mà doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội này - Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) đã tạm nộp vì quyết định ấn định thuế được cho là không đúng của cơ quan hải quan.
 
Cụ thể, PV OIL đã tạm nộp cho ngân sách số tiền 57,6 tỷ đồng vì cơ quan Hải quan cáo buộc 03 lô hàng xăng dầu mà công ty này nhập khẩu bất hợp pháp, không đủ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O. Trên thực tế, bắt đầu từ 1/9/2016, Việt Nam chính thức áp dụng biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN giai đoạn 2016-2018 (thuế suất ATIGA). Nếu hàng hóa có xuất xứ (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O) tại nước và lãnh thổ ASEAN sẽ được giảm thuế và hoàn thuế.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo yêu cầu cổ phần hóa PV OIL, Hiệp hội Xăng dầu xin đề nghị Thủ tướng sớm chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn trả số tiền hơn 57,6 tỷ đồng mà PV OIL đã tạm nộp, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp.
Trước khi Hiệp hội Xăng dầu gửi kiến nghị lên Thủ tướng, PV OIL và Bộ Công thương cũng đã có văn bản kiến nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính giải trình vấn đề xung quanh C/O đối với 03 lô hàng bị cáo buộc chưa rõ ràng dẫn đến bị quyết định thu thuế sau đó. Đồng thời, chính DN này cũng đề nghị lập đoàn thanh tra của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan sang Singapore để truy xuất nguồn gốc lô hàng và doanh nghiệp mà PV OIL nhập khẩu. Tuy nhiên, mọi biện pháp đều vô ích, quyết định ấn định thuế vẫn được thực hiện.