[Sự kiện kinh tế tuần] Doanh nghiệp bị "bóp chết" vì thủ tục vô cảm

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cảnh báo tồn đọng container phế thải tồn cảng; Giá xăng dầu giữ nguyên dịp Tết Nguyên đán; Hơn 1.800 DN giải thể trong tháng đầu năm 2019... là nội dung chú ý tuần qua.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cảnh báo tồn đọng container phế thải tồn cảng 

Trả lời báo chí về 24.184 container phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển trên cả nước, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, các nhà máy nhập khẩu phế liệu chủ yếu là DN vừa và nhỏ, chậm thông quan ngày nào là “bóp chết” DN ngày đó…
Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói về 24.000 container phế thải tồn cảng

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, hơn 24.000 container phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng ở các cảng trên cả nước là con số rất lớn.

Nếu chúng ta thông quan sớm sẽ có tác dụng rất tích cực nhưng nếu để chậm thì chính DN là người chịu thiệt thòi nhất. Ngoài tiền phạt, DN sẽ không có nguyên liệu để sản xuất và chịu những thiệt hại khác như nhân công nghỉ việc, giảm công suất sản xuất, cắt hợp đồng khi đã kí với đối tác...

Về lý do của sự chậm trễ thông quan các container phế thải, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, do việc không kiểm soát kỹ việc ban hành văn bản gây ra các rào cản.

Cụ thể, theo quy định hiện nay, 1 lô hàng container phế liệu cần qua 4 đơn vị kiểm tra. Một là sở tài nguyên địa phương cấp cho DN chứng nhận đủ điều kiện để nhập khẩu phế liệu. Hai là qua cơ quan kiểm hóa của hải quan, sau đó qua cơ quan giám định độc lập, hiện bộ tài nguyên môi trường chỉ định 13 cơ quan giám định độc lập. Cuối cùng là qua cơ quan nhà nước - sở tài nguyên môi trường tại nơi nhà máy đóng.

Theo thông tư 08 về nhập khẩu khẩu phế liệu, xử lý một container chỉ mất 1 ngày nhưng thực tế thực hiện mất 29 ngày. Ví dụ như lô hàng tại cảng Thị Vải, Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mất 29 ngày để thông quan, với sở tài nguyên môi trường chiếm tới 90%, còn lại là thời gian hải quan chờ xác nhận... “Như vậy, các quy định này được ban hành đã vô tình gây khó khăn cho DN, khiến không ít DN đã phải “rơi nước mắt” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Cũng theo người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất gắt gao về việc ban hành thông tư. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không giao trách nhiệm này cho sở tài nguyên địa phương, thậm chí cần ra thông báo hủy bỏ thông tư 08, 09 về nhập khẩu phế liệu để giải quyết tình trạng nêu trên.

Giá xăng dầu giữ nguyên dịp Tết Nguyên đán
Liên Bộ Tài chính - Công Thương tuần qua đã phát đi thông tin về việc điều hành giá xăng dầu từ đầu giờ chiều 31/1. Cụ thể, tại kỳ điều chỉnh này, giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành.
 Ảnh minh họa.
Chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Xăng E5RON92: 1.673 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.462 đồng/lít); Xăng RON95: 825 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 645 đồng/lít); Dầu diesel: 1.003 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 430 đồng/lít); Dầu hỏa: 652 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 295 đồng/lít); Dầu mazut: 1.196 đồng/kg (kỳ trước chi sử dụng 583 đồng/kg).
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như mục 1 nêu trên, giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường được giữ ổn định.
Như vậy, xăng E5 RON92 vẫn giữ mức trần là 16.272 đồng/lít và xăng RON95-III là 17.603 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel 0.05S có giá trần là 14.909 đồng/lít, dầu hỏa là 14.185 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 13.275 đồng/kg.
Việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu áp dụng từ 15g00 ngày 31/1. Lần gần đây nhất, từ 15g ngày 16/1/2019, sau khi trích quỹ bình ổn, giá xăng và các mặt hàng dầu không thay đổi.
Trong lần này, việc trích lập quỹ bình ổn với xăng E5 RON92 là 0 đồng/lít; Xăng RON95 là 300 đồng/lít; Dầu diesel là 300 đồng/lít; Dầu hỏa là 300 đồng/lít và dầu mazút là 300 đồng/kg.
Trong khi đó, chi sử dụng Quỹ bình ổn với xăng E5 RON92 là 1.462 đồng/lít; Xăng RON95 là 645 đồng/lít; Dầu diesel: 430 đồng/lít; Dầu hỏa là 295 đồng/lít và dầu mazut là 583 đồng/kg.
Hơn 1.800 doanh nghiệp giải thể trong tháng đầu năm 2019
Theo Tổng cục Thống kê, số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 1/2019 là 1.802 DN, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
  Ảnh minh họa.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu tính cả 484.000 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong tháng 1/2019 là 635,1 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 8.465 DN quay trở lại hoạt động, tăng 84,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong tháng này lên hơn 18,5 nghìn DN.

Theo lĩnh vực hoạt động, trong tháng 1/2019 phần lớn các lĩnh vực đều có số DN thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, có 3,8 nghìn DN thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 37,7% tổng số DN thành lập mới), giảm 0,3%; có 1,3 nghìn DN công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 13%), giảm 1%; gần 1,3 nghìn DN xây dựng (chiếm 12,4%), giảm 9%...
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng là 10.804 DN, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể là 12.278 DN, trong đó có 7.342 DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm 2018 để loại bỏ các DN đã thành lập trước đây nhưng trên thực tế không còn hoạt động.
Số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 1/2019 là 1.802 DN, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 732 DN (chiếm 40,6%), tăng 20,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 184 DN(chiếm 10,2%), giảm 8,5%; xây dựng có 178 DN (chiếm 9,9%), tăng 8,5%...
EVN hứa đảm bảo đủ điện dịp Tết Kỷ hợi
Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), tình hình phụ tải điện dịp Tết Kỷ hợi dự báo thấp hơn ngày thường 20-30%, dẫn tới điện áp tăng cao. Trung tâm này đã lập phương án vận hành hệ thống điện quốc gia đảm bảo huy động các tổ máy phát điện, sẵn sàng giải pháp ứng phó tình hình.
 Ảnh minh họa.

Trước đó, từ đầu tháng 12/2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị trực thuộc đã khẩn trương lập phương án đảm bảo cung cấp điện, xây dựng kế hoạch chi tiết bố trí nhân lực ứng trực 24/24 trong các ngày Tết, chuẩn bị vật tư thiết bị, dụng cụ phương tiện sẵn sàng xử lý sự cố nếu có.

Tập đoàn này chỉ đạo các đơn vị đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn lưới điện truyền tải quốc gia. Theo đó, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các tổng công ty điện lực tổ chức kiểm tra, xử lý những tồn tại của các thiết bị trạm và đường dây điện, nhất là các trạm biến áp, đường dây vận hành tải cao.

Đơn vị này cũng bổ sung thêm lực lượng tuần tra dọc tuyến đường dây; tích cực phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền ngăn ngừa vi phạm hành lang an toàn tuyến đường dây, nhất là hiện tượng bắn pháo giấy tráng kim loại, thả diều và ném các vật lên đường dây, vi phạm hành lang an toàn đường dây trong dịp Tết.

Các ban quản lý dự án lưới điện yêu cầu các đơn vị thi công có biện pháp thi công hợp lý để đảm bảo tiến độ công trình, không thi công các hạng mục phải cắt điện trong dịp Tết.

Ngoài ra, EVN cũng yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, công an, quân đội tại địa phương, xây dựng và triển khai các phương án bảo vệ an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ cho các công trình điện, trụ sở cơ quan, kho tàng trên địa bàn...