Sự kiện kinh tế tuần: Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng đối thoại với hàng loạt tập đoàn lớn tại Davos; Napas có tổng giám đốc mới; Năm 2018, Việt Nam chi gần 2 tỷ USD nhập xe ngoại... là nội dung chú ý tuần qua.

Thủ tướng đối thoại với hàng loạt tập đoàn lớn tại Davos

Bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì sự kiện Đối thoại Kinh tế Việt Nam cùng Giám đốc điều hành WEF - Olivier Schwab. Chủ đề của buổi đối thoại là "Thúc đẩy sự năng động và sáng tạo trong cách mạng 4.0", với sự tham gia của 30 tập đoàn toàn cầu.
 Thủ tướng tại sự kiện Đối thoại Kinh tế Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tại buổi đối thoại, các nhà đầu tư đều bày tỏ "ấn tượng và kinh ngạc" với sự phát triển của Việt Nam thời gian qua. Thủ tướng lý giải nguyên nhân là Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng. Đó là chính trị - xã hội ổn định, tích cực đổi mới, kinh tế vĩ mô tốt, môi trường kinh doanh và sức cạnh tranh cũng đang cải thiện. Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành một trong những công xưởng của thế giới về hàng điện tử, dệt may, da giày, điện thoại di động.

Thủ tướng cũng nhận định Cách mạng 4.0 đang "gõ cửa" từng DN, tạo ra những thay đổi lớn và không quốc gia nào có thể đứng ngoài. Việt Nam coi đây là cơ hội lớn, khi các nước không chỉ cạnh tranh về các yếu tố truyền thống, mà còn cạnh tranh bằng sáng tạo.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định đã chuẩn bị cho cuộc cách mạng này và khởi động chương trình "Made in Viet Nam 4.0". Ông kêu gọi các DN quốc tế: "Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam".

Tại đối thoại, Việt Nam và WEF cũng sẽ ký Thỏa thuận hợp tác Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, kết nối với các Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 của WEF tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). "Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi và cùng các bạn hiện thực hóa chiến lược, chương trình, kế hoạch về thúc đẩy phát triển trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng một nền công nghiệp 4.0", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của Nhà sáng lập Grab - Anthony Ping Yeow Tan mong muốn được biết quan điểm của Chính phủ đối với mô hình kinh doanh mới mẻ như Grab, Thủ tướng cho rằng "quan điểm không quản lý được thì đóng cửa" là lạc hậu. Ông khẳng định, Việt Nam sẵn sàng ủng hộ những ý tưởng, mô hình kinh doanh có tính đột phá, giúp đem lại lợi ích và tiện ích, tiện nghi cho người dân. Đó là khía cạnh bền vững của nền kinh tế và là một yếu tố của nền kinh tế số.

Trước đó, Thủ tướng cũng đã tiếp lãnh đạo hàng loạt tập đoàn lớn, như CEO Apple - Tim Cook, Phó chủ tịch Facebook - Nick Clegg, Giám đốc Adidas hay Chủ tịch Carlsberg... Ông ủng hộ kế hoạch đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu của Apple tại Việt Nam, đề nghị Facebook tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật Việt Nam, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp châu Âu như Carlsberg, Adidas tiếp tục thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Napas có tổng giám đốc mới
Tại Hội nghị triển khai hoạt động năm 2019, bà Nguyễn Tú Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thanh toán Quốc gia Napas đã trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Hưng - nguyên Phó cục trưởng Công nghệ tin học Ngân hàng Nhà nước giữ chức vụ Tổng giám đốc Napas kể từ 22/1/2019.
 Ảnh minh họa.
Napas khuyết chức danh tổng giám đốc từ tháng 6/2017 sau khi bà Nguyễn Tú Anh, người trước đó giữ chức tổng giám đốc, được bầu vào vị trí chủ tịch hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Lê Quốc Hưng - Phó Tổng giám đốc Napas là người phụ trách Ban điều hành từ tháng 6/2017 đến nay.
Về hoạt động kinh doanh, tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống Napas trong năm 2018 tăng trưởng gần 46% so với 2017, với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1,76 triệu tỷ đồng, tăng 169%.
Tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 của Napas cũng tăng trưởng gấp 4 lần giao dịch rút tiền mặt tại mạng lưới ATM liên ngân hàng qua hệ thống chuyển mạch tài chính.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, năm 2019, Chính phủ đã giao nhiệm vụ phải tập trung đẩy mạnh thanh toán điện tử và dịch vụ công cấp độ 4. Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh đánh giá các nhiệm vụ này đều liên quan trực tiếp đến kế hoạch hoạt động của Napas trong năm 2019.
Theo đại diện Napas, công ty này đang phối hợp với 6 ngân hàng thí điểm ứng dụng bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa và dự kiến chính thức phát hành ra thị trường vào quý I/2019.
Năm 2018, Việt Nam chi gần 2 tỷ USD nhập xe ngoại
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 81.600 xe các loại đã nhập khẩu về Việt Nam năm 2018, trị giá hơn 1,8 tỷ USD. So với năm 2017, ôtô nhập đã giảm cả lượng và trị giá, lần lượt 16% và 20%, mặc thuế nhập khẩu về 0% với các dòng xe nhập từ khu vực ASEAN.
 Ảnh minh họa.
Nghị định 116 có hiệu lực từ đầu năm 2018 với những quy định bắt buộc về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, đường chạy thử xe... khiến phần lớn DN đã không nhập được xe về bán trong khoảng nửa đầu năm. Ở nửa cuối năm, lượng xe nhập về có tăng nhưng cũng không thể bù số lượng thông quan ít ỏi 6 tháng trước đó. Thị phần xe nhập của các hãng vì thế cũng co lại.
Số liệu tổng kết của hải quan cũng cho thấy, Thái Lan, Indonesia là hai thị trường nhập xe chủ yếu của Việt Nam năm qua, nhằm tận dụng mức thuế nhập khẩu 0% theo cam kết trong khu vực ASEAN. Đã có 72.780 ôtô được DN khai báo hải quan từ hai thị trường trên, giá trị gần 1,3 tỷ USD.

Riêng dòng xe dưới 9 chỗ, Việt Nam nhập hơn 48.000 chiếc từ Thái Lan, Indonesia, chiếm gần 90% tổng lượng ôtô nhập khẩu. Do không phải chịu thuế nhập khẩu, giá xe từ hai thị trường này cũng "mềm" hơn, bình quân dưới 500 triệu đồng một chiếc.

Xe Nhật vẫn được người Việt Nam ưa chuộng dù giá nhập cao, bình quân hơn một tỷ đồng một chiếc. Năm 2018 cũng ghi nhận lượng lớn xe Trung Quốc được các DN làm thủ tục thông quan, đạt 1.565 xe, trị giá hơn 47 triệu USD...

Không riêng cuối năm 2018, xe nhập khẩu vẫn ồ ạt được nhập về đầu năm 2019, phục vụ nhu cầu mua xe "trưng" Tết của người Việt. Thực tế này trái ngược với tình cảnh ảm đạm đầu năm 2018 khi Nghị định 116 vừa có hiệu lực.

Trong 15 ngày đầu tháng 1, đã có gần 6.400 xe được thông quan, trị giá gần 158 triệu USD. DN nhập phần lớn là xe con, gần 4.300 xe, đạt xấp xỉ 96 triệu USD. Xe tải là 1.820 chiếc, trị giá gần 43 triệu USD. Trong khi đó, xe trên 9 chỗ ngồi chỉ có 90 xe, giá trị 2.790 USD. Ngoài ra, lượng lớn linh kiện, phụ tùng ôtô cũng được nhập khẩu trong nửa tháng qua, trị giá 221,7 triệu USD.