Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần qua: Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động, PVN bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động theo đúng dự kiến (2017), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ phải gánh thiệt hại rất nặng nề.

Hàng nghìn tỷ đồng bù lỗ nếu lọc dầu Nghi Sơn hoạt động

Đây là thông tin vừa được Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) đưa ra khi đánh giá tác động của việc đưa nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đi vào hoạt động đối với thu ngân sách. Dự kiến, nhà máy này sẽ bắt đầu được vận hành từ năm 2017.
Hàng nghìn tỷ đồng bù lỗ nếu lọc dầu Nghi Sơn hoạt động- (Ảnh minh họa).
Hàng nghìn tỷ đồng bù lỗ nếu lọc dầu Nghi Sơn hoạt động- (Ảnh minh họa).
Theo đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ chịu thiệt hại nặng nề do phải phụ trách bao tiêu sản phẩm của nhà máy, nếu giá dầu giữ ở mức 45 USD/thùng, mỗi năm PVN sẽ phải bù lỗ khoảng 3.500 tỷ đồng. Số bù lỗ này sẽ tăng lên 4.000 tỷ đồng/năm với giá dầu 50 USD/thùng và 4.500 tỷ đồng/năm nếu dầu có giá 70 USD/thùng.

Bên cạnh đó, tổng mức hỗ trợ từ PVN dành cho đầu tư các hạng mục công trình bên trong nhà máy cũng đã lên đến 3.833 tỷ đồng. Như vậy, ngoài số tiền này, PVN phải bù lỗ khoảng 1.800 - 2.500 tỷ đồng khi lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động.

Từ đó kéo theo tác động trực tiếp tới nguồn thu ngân sách. Cụ thể, tổng thu ngân sách dự kiến giảm 1.377 tỷ đồng, các năm tiếp theo đà giảm còn mạnh hơn, 2018 sẽ giảm 10.929 tỷ đồng, 2019 sẽ giảm 10.632 tỷ đồng và 2020 sẽ giảm 14.110 tỷ đồng. Những tính toàn này cũng dựa trên phương án giá dầu thô năm 2017 ở mức 45 USD/thùng.

Giá xăng đã tăng trở lại

Sau nhiều lần liên tiếp giảm, hôm 19/8 giá xăng đã tăng trở lại. Cụ thể, giá xăng RON 92 tăng 675 đồng/lít lên mức tối đa 15.374 đồng/lít. Giá xăng sinh học (E5) cũng tăng 975 đồng/lít lên mức tối đa 15.225 đồng/lít.
Giá xăng đã tăng trở lại- (Ảnh minh họa).
Giá xăng đã tăng trở lại- (Ảnh minh họa).
Các mặt hàng dầu diesel tăng 253 đồng/lít lên 11.914 đồng/lít, dầu hoả tăng 200 đồng/lít lên 10.496 đồng/lít và dầu mazut tăng 214 đồng/kg lên mức tối đa 8.837 đồng/kg.

Cũng theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, tính đến thời điểm cuối quý II/2016 (hết ngày 30/6), tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) còn 1.495,4 tỷ đồng, con số này giảm mạnh so với thời điểm cuối quý III năm ngoái và thời điểm đầu năm.

Tinh thần của Thông tư 20 sẽ vẫn được giữ nguyên ?

Tuần vừa qua, Bộ Công thương đã báo cáo chính thức về Thông tư 20 trình Thủ tướng Chính phủ, văn bản có tác động lớn tới tình hình nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Theo đó Bộ đưa ra quan điểm giữ những quy định của Thông tư này tại văn bản thay thế.
Tinh thần của Thông tư 20 sẽ vẫn được giữ nguyên- (Ảnh minh họa).
Tinh thần của Thông tư 20 sẽ vẫn được giữ nguyên- (Ảnh minh họa).
Bộ Công Thương cho rằng, Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh nên không phải tự động bãi bỏ theo quy định của Luật Đầu tư 2014. Thông tư này được ban hành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Thông tư còn được cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước ủng hộ 

Thông tư 20 không vi phạm pháp luật về cạnh tranh hay pháp luật về quyền lựa chọn của người tiêu dùng, Bộ Công thương nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng khẳng định, không đồng tình với đề xuất rút ngành, nghề "Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô" khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.

VAFI tiếp tục xoáy vụ Vũ Quang Hải

Mới đây Bộ Công Thương đã có văn bản phản hồi Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) việc bổ nhiệm ông Võ Thanh Hà và Vũ Quang Hải có đúng Luật Doanh nghiệp và quy trình bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Sabeco có vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 hay không. Ngay sau đó VAFI đã lên tiếng khẳng định việc điều động ông Vũ Quang Hải về Sabeco mang đậm tính chất vụ lợi.
VAFI tiếp tục xoáy sâu vụ trường hợp Vũ Quang Hải- (Ảnh minh họa).
VAFI tiếp tục xoáy sâu vụ trường hợp Vũ Quang Hải- (Ảnh minh họa).
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải Phó Chủ tịch VAFI, trong thời gian ngắn ngủi tại Cục Xúc tiến thương mại (khoảng 1 năm, ông Vũ Quang Hải còn được bổ nhiệm chức danh Kiểm soát viên Vinataba. Thông thường khi người ta chọn người làm Kiểm soát viên ở Bộ để thực hiện giám sát vốn Nhà nước, người ta thường lấy người ở các Vụ, Cục có nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước tại DNNN đó, tức là kiểm soát viên phải lấy từ Vụ Tài chính, Vụ Tổ chức hay Vụ quản lý ngành, không lấy người ở Cục, Vụ khác không có nhiệm vụ quản lý vốn tại DN đó. Và Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu không có nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước tại Vinataba.

Ông Hải khẳng định, ông Vũ Quang Hải không đủ tư cách làm Kiểm soát viên tại Vinataba và không thể có chức Phó Vụ trưởng. Việc bổ nhiệm chức Phó Vụ trưởng cho ông Vũ Quang Hải là hành vi mang tính chất vụ lợi và bị pháp luật nghiêm cấm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo VAFI cũng đặt ra các giả thiết, việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên Ban kiểm soát Vinataba nhằm cơ sở thăng hàm Phó Vụ trưởng, đẩy vào diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo của Bộ. Vì thế nên mới chỉ hơn 1 năm Vũ Quang Hải đã được lên 4 chức chức danh kiểm soát viên của 1 tập đoàn kinh tế lớn là Vinataba, Phó Vụ trưởng, chức danh thành viên HĐQT kiêm Phó tổng Sabeco.