Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện tuần qua: Đề nghị kỷ luật nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và ông Võ Kim Cự

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề nghị kỷ luật nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và ông Võ Kim Cự; Từ nay, không mua bắt buộc 0 đồng với ngân hàng yếu kém; Hải Dương lập tổ công tác kiểm tra vụ cả nhà làm quan huyện... là những thông tin được dư luận quan tâm tuần qua.

Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị không nhận xe biếu tặng từ DN
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký ban hành Công văn số 1586/UBND-KT về thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 127/TB-VPCP ngày 10/3/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp nhận xe ô tô do DN tặng.
Công văn nêu rõ, để tránh xảy ra tiêu cực và thất thoát tài sản nhà nước tại các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc TP, UBND các quận, huyện, thị xã (gọi tắt là cơ quan, tổ chức, đơn vị); UBND TP yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc không nhận xe biếu tặng từ các DN, tổ chức kinh tế không đúng quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trường hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị được đề nghị cho, tặng quà phải thực hiện xác định tính phù hợp của việc tiếp nhận tài sản chuyển giao, có trách nhiệm lập hồ sơ, gửi Sở Tài chính để thẩm định, rà soát, báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định theo Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước và Thông tư số 159/2014/TT-BTC ngày 27/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 29/2014/NĐ-CP.

Việc tặng quà, nhận quà của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, việc quản lý, sử dụng theo đúng quy định tại Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. 

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác theo đúng tiêu chuẩn, định mức, quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

Thực hiện rà soát số xe ô tô hiện có, báo cáo Sở Tài chính để xử lý theo quy định đối với xe ô tô dôi dư, xe ô tô hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn khi vận hành.

Đối với việc thanh lý xe ô tô, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thành lập Đoàn thanh tra kiểm tra việc thanh lý xe ô tô của các cơ quan, tổ chức đơn vị trong thời gian qua, chủ động xử lý đối với những vi phạm thuộc thẩm quyền; đề xuất, báo cáo UBND TP xem xét, xử lý đối với những sai phạm vượt thẩm quyền. Báo cáo UBND TP Hà Nội kết quả thực hiện trong tháng 5/2017.

Đối với những xe ô tô do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP đã thực hiện thanh lý, đề nghị Công an TP Hà Nội rà soát, thu hồi biển kiểm soát xe ô tô, Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô theo đúng quy định hiện hành.

UBND TP yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện.
Bổ nhiệm "thừa" 23 cán bộ: Thủ tướng chỉ đạo kỷ luật, miễn nhiệm
Trước đó, ngày 10/3/2017 báo chí có bài: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên bổ nhiệm "thừa" 23 cán bộ.

Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Nội vụ về kết quả kiểm tra thông tin phản ánh trên, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý xây dựng, điều chỉnh Đề án vị trí việc làm phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế và giảm số lượng cấp phó, bảo đảm cơ cấu hợp lý số lượng lãnh đạo với biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến việc bổ nhiệm cấp phó vượt quá số lượng quy định và bổ nhiệm chức danh lãnh đạo khi chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn; xem xét, miễn nhiệm chức vụ đối với các trường hợp sai phạm; có hình thức xử lý kỷ luật đối với cá nhân vi phạm trong công tác bổ nhiệm.

Đồng thời, khẩn trương kiểm tra làm rõ mức độ trách nhiệm của bà Hà Thu Hiền - Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng (BQLDA, thuộc Sở NN&PTNT Thái Nguyên) để xem xét xử lý theo quy định. Tổ chức rút kinh nghiệm trong việc tiếp nhận thông tin, đặc biệt đối với các trường hợp xem xét bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2017.

Đề nghị kỷ luật ông Võ Kim Cự và nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang

Trong 2 ngày 12 và 13/4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 13, xem xét, kết luận một số nội dung đáng chú ý.

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra kết luận, Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhiệm kỳ 2011  - 2016 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, để Bộ TN&MT và một số cá nhân có nhiều vi phạm trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Ông Võ Kim Cự - nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh và ông Nguyễn Minh Quang - nguyên Bộ trưởng TN&MT.

Ông Bùi Cách Tuyến, nguyên Ủy viên Ban Cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Kết luận với ông Tuyến là đã thiếu trách nhiệm khi ký phê duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường, bỏ qua sự cảnh báo ảnh hưởng đến môi trường; buông lỏng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát việc xây dựng các hạng mục công trình bảo vệ môi trường của công ty Formosa.

Ông Nguyễn Thái Lai, nguyên Ủy viên Ban Cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ông Lai được cho là đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, ký giấy phép xả nước thải cho công ty Formosa.

Kết luận với ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT là đã thiếu trách nhiệm khi làm trưởng đoàn thanh tra đối với dự án Formosa; không tham mưu giám sát việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm.

Ông Mai Thanh Dung trong thời gian giữ chức vụ Cục trưởng Cục Thẩm định, đánh giá tác động môi trường đã thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu cho Tổng cục Môi trường để trình Bộ TN&MT phê duyệt thay đổi nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định, những vi phạm của Ban Cán sự đảng Bộ TN&MT và các cá nhân nêu trên là nghiêm trọng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lương Duy Hanh, đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ TN&MT, ông Nguyễn Minh Quang, ông Bùi Cách Tuyến và ông Nguyễn Thái Lai theo quy định.

Về trường hợp ông Mai Thanh Dung, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, Đảng ủy Bộ TN&MT đã thi hành kỷ luật cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Môi trường, Bộ đã kỷ luật giáng chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã ra kết luận về thi hành kỷ luật ông Võ Kim Cự, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và ông Hồ Anh Tuấn, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đó, ông Võ Kim Cự chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh giai đoạn 2008 - 2016 và Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2010.

Ông Cự được xác định là đã trực tiếp ký nhiều văn bản trái quy định, như: Cấp giấy chứng nhận đầu tư, cho thuê mặt nước biển nằm ngoài khu kinh tế; đồng ý chủ trương cho công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải...; thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án.

Ông Hồ Anh Tuấn chịu trách nhiệm chính về những vi phạm của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn từ 2010 đến 2016. Ông Tuấn được xác định có các vi phạm, khuyết điểm: Ký một số văn bản trái quy định; cho phép công ty Formosa khởi công xây dựng các hạng mục công trình của dự án trước, hoàn thiện các thủ tục sau.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm của ông Võ Kim Cự và ông Hồ Anh Tuấn là nghiêm trọng. Ủy ban quyết định thi hành kỷ luật cách chức Bí thư Đảng ủy Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 và 2010 - 2015 đối với ông Hồ Anh Tuấn và đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Võ Kim Cự theo quy định.

Đối với các vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cá nhân liên quan, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nghiêm túc xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền.

Từ nay, không mua bắt buộc 0 đồng với ngân hàng yếu kém
Chính phủ thống nhất định hướng từ nay, nhà nước không áp dụng biện pháp mua bắt buộc 0 đồng với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Đó là nội dung tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2017 vừa được Chính phủ ban hành. Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận về dự án Luật cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu và dự án Luật Quy hoạch.
 Ảnh minh họa
Cụ thể, về Dự án Luật cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và tính cấp bách của việc cần sớm ban hành khuôn khổ pháp lý riêng, mang tính chuyên ngành để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu.
Chính phủ thống nhất cơ bản với nội dung của dự thảo các quy định về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước trình. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan, trình đồng thời Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Về một số vấn đề cụ thể, Chính phủ thống nhất định hướng: Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết về xử lý nợ xấu bao gồm việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu; có cơ chế cho phép Công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam (DATC), các doanh nghiệp khác có chức năng kinh doanh mua bán nợ được tham gia bình đẳng vào quá trình xử lý nợ xấu.

Về biện pháp chuyển giao bắt buộc, từ nay, nhà nước không áp dụng biện pháp mua bắt buộc 0 đồng. Trường hợp các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt sau khi đã thực hiện phương án phục hồi mà không thể phục hồi, thì ưu tiên phương án chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới, cho tổ chức tín dụng có năng lực tài chính tốt. Các cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu, thất thoát vốn, tài sản... của tổ chức tín dụng vẫn phải chịu trách nhiệm và nghĩa vụ về hậu quả do mình gây ra. Chính phủ quyết định việc chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Trường hợp không chuyển giao được mà không thể phá sản thì thu hẹp dần hoạt động để xử lý, giải thể, chấm dứt hoạt động.

Chính phủ cũng thống nhất định hướng cần quy định cụ thể về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để đảm bảo quyền chủ nợ hợp pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC. Việc xây dựng cơ chế này cần dựa trên nguyên tắc kế thừa quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP.

Cần có quy định về miễn phí thi hành án; miễn thuế, phí về chuyển nhượng tài sản trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, bán toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và có cơ chế ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nợ của bên được bảo đảm trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế của bên bảo đảm để hỗ trợ xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC...
Hải Dương lập tổ công tác kiểm tra vụ cả nhà làm quan huyện
Thông tin này được Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết. Cụ thể, tỉnh Hải Dương đã quyết định thành lập tổ công tác nghiên cứu, xem xét việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, phân công công tác các trường hợp cán bộ như báo chí nêu.
Tổ công tác do 1 Ủy viên Thường trực Tỉnh ủy đứng đầu. Thành viên đến từ các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, xem xét những thông tin mà báo chí nêu ở huyện Kim Thành.
Ông Thăng cũng cho biết, Thường trực Tỉnh ủy đã có ý kiến và có báo cáo gửi Ban Tổ chức T.Ư, Ban Tuyên giáo T.Ư, Văn phòng T.Ư Đảng. 
Trong quá trình tổ công tác nghiên cứu xem xét đề nghị báo chí không đưa tin rộng, khi nào có kết luận cụ thể sẽ công bố cho báo chí. Tổ công tác sẽ cố gắng hoàn thành việc này trong tháng 4.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương, trước hết sẽ xem xét quy tình bổ nhiệm đối với các cán bộ từ sau Đảng bộ Đại hội huyện Kim Thành đến nay, phân công nhiệm vụ đối với các ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện từ sau Đại hội và những ai liên quan đến thông tin báo chí nêu.
Việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử do Ban Tổ chức T.Ư quy định và Bộ Nội vụ quy định, có quy trình rất nghiêm ngặt. Còn thi tuyển chỉ có công chức mới thi.
Vì vậy phải kiểm tra, đối chiếu với quy trình, quy định xem có gì sai không. Việc này cần có thời gian.
“Con đường xưa em đi” được phổ biến trở lại
Ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn xác nhận ngày 14/4, Cục trưởng đã ký công văn thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 bài hát Con đường xưa em đi, Cánh thiệp đầu xuân, Chuyện buồn ngày xuân, Đừng gọi anh bằng chú, Rừng xưa.
Trong Quyết định số 39/QĐ-NTBD của Cục NTBD đã nêu dõ lí do của việc thu hồi lại lệnh tạm dừng lưu hành: “Không đủ cơ sở tạm thời dừng phổ biến 5 bài hát gồm “Cánh thiệp đầu xuân - tác giả Lê Dinh, Minh Kỳ”; “Rừng xưa - tác giả Lam Phương”; “Chuyện buồn ngày xuân - tác giả Lam Phương”; “Con đường xưa em đi” tác giả Châu Kỳ, Hồ Đình Phương”; “Đừng gọi anh bằng chú - ghi tên tác giả là Diên An” theo ý kiến đề nghị của Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh”. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký và ban hành 14/4.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên ký văn bản số 1575/BVHTTDL-NTBD ngày 14/4 yêu cầu xử lý việc tạm dừng năm 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975.

Văn bản nhắc lại sự việc Cục NTBD ban hành văn bản tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được phép phổ biến gồm “Cánh thiệp đầu xuân” tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ, “Rừng xưa” tác giả Lam Phương, “Chuyện buồn ngày xuân” tác giả Lam Phương, “Con đường xưa em đi” tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương và “Đừng gọi anh bằng chú” ghi tên tác giả là Diên An. Đề xuất này dựa trên cơ sở văn bản đề xuất của Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh là chưa đủ căn cứ, gây phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội.
“Về việc này Bộ VHTT&DL có ý kiến chỉ đạo như sau: Yêu cầu Cục NTBD thu hồi Quyết định số 20/QĐ-NTBD ngày 22 tháng 3 năm 2017 của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Tổ chức kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể, cá nhân tham mưu việc tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được phép phổ biến nêu trên. Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Bộ VHTT&DL trong việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý, cấp phép phổ biến đối với các bài hát sáng tác trước năm 1975 và bài hát do người Việt Nam định cư tại nước ngoài sáng tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tác phẩm nghệ thuật có nội dung tư tưởng tốt, có chất lượng nghệ thuật được phổ biến rộng rãi phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng”, văn bản nêu rõ.
Ngay trong ngày 14/4, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD ký quyết định số 39 để thu hồi quyết định số 20 ngày 22/3. Văn bản quyết định do lãnh đạo Cục NTBD nêu rõ: “Thu hồi Quyết định số 20/QĐ-NTBD ngày 22 tháng 3 năm 2017 của Cục Nghệ thuật biểu diễn về việc thu hồi 05 bài hát sáng tác trước năm 1975 và Công văn số 110/NTBD-QLBĐ ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Cục Nghệ thuật biểu diễn gửi Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh về việc thống nhất tạm thời dừng việc lưu hành một số bài hát đã được cấp phép phổ biến”.