Ba năm trước khi các quốc gia vùng trũng của châu Âu như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha bắt đầu lao đao vì nợ công, kinh tế Đức vẫn tăng trưởng với tốc độ cao kỷ lục. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, nền kinh tế lớn nhất Eurozone đã xuất hiện những triệu chứng cho thấy đã "ngấm đòn" nợ công và các số liệu dự báo về tăng trưởng đã được điều chỉnh theo hướng cắt giảm. Trong năm 2013, nếu các thị trường chủ lực là khu vực Nam Âu không phục hồi, Đức sẽ bị phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, kinh tế Đức tiếp tục tăng trưởng hay giảm tốc sẽ do "sức khỏe" của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này quyết định.
Thủ tướng Angela Merkel nhận định kinh tế Đức sẽ khó khăn hơn trong năm 2013.
Những dự báo về triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế Đức trong năm 2013 đã buộc Thủ tướng Angela Merkel phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn và cấp bách, nhất là sau khi đã tuyên bố về ý định tiếp tục nắm giữ chức vụ thêm một nhiệm kỳ nữa. Từ nay đến cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 tới, Thủ tướng Merkel sẽ phải tìm kiếm cho được một phó tướng có năng lực thu hút cử tri và hỗ trợ công việc. Nhưng từ khi bà nắm giữ vị trí quyền lực cao nhất Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo cách đây 13 năm, gần như chưa có một chính trị gia đủ sức đủ tài nào đảm đương được nhiệm vụ này.
Ngoài ra, vai trò lãnh đạo của bà Merkel trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu cũng sẽ quyết định nhiều tới lá phiếu của cử tri. Nếu Thủ tướng Đức có thể gạt sang một bên những bất đồng với Pháp, Italia về việc hỗ trợ các quốc gia đang khó khăn tại Nam Âu và thúc đẩy tiến độ của kế hoạch xây dựng hệ thống kiểm soát tài chính của Eurozone... người dân nước này chắc chắn sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho một người có khả năng lãnh đạo cả khu vực. Đặc biệt, các nhà quan sát cho rằng đã đến lúc bà Merkel phải thêm ít “gia vị” vào phong cách lãnh đạo của mình vì người dân dường như bắt đầu cảm thấy nhàm chán với sự nghiêm nghị, bình tĩnh - những đặc trưng vốn có của "tinh thần thép" nước Đức.
Triển vọng không mấy lạc quan của kinh tế Đức trong năm 2013 đã và đang trở thành thách thức lớn nhất với tham vọng chính trị của Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel. Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định rằng, với việc không có đối thủ cạnh tranh nào tương xứng như hiện nay, việc bà Merkel lần thứ 3 trở thành người đứng đầu Chính phủ Đức sẽ chỉ còn là vấn đề thủ tục. Khi đó, không chỉ có nước Đức được hưởng lợi mà cả Eurozone cũng sẽ dễ dàng thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công hơn nhờ sự quyết đoán của nữ "thuyền trưởng" Merkel.