Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự nghiệp “trồng người”: Coi trọng chất lượng đầu vào

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dư luận vốn nhiều tranh cãi trước việc một số địa phương không tuyển người tốt nghiệp ĐH hệ tại chức, lại thêm xôn xao khi vừa rồi ngành giáo dục Hà Nội chính thức công bố chỉ tuyển viên chức là đối tượng tốt nghiệp hệ chính quy của các trường ĐH công lập thuộc khối ngành sư phạm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương này của Hà Nội và cho rằng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đào tạo.

Yêu cầu chính đáng

Trong thông báo tuyển dụng, Sở GD&ĐT Hà Nội nêu rõ: Thí sinh đăng ký dự tuyển phải tốt nghiệp hệ chính quy của trường ĐH Sư phạm. Nghĩa là, tiêu chuẩn này đã "loại trừ" các ứng viên tốt nghiệp ĐH tại chức hoặc ĐH ngoài công lập. Ngược với sự bất bình trước đây, lần này, nhiều người đồng tình và hoan nghênh việc Hà Nội đã mạnh dạn trong việc tuyển dụng giáo viên, coi đây như một bước đột phá trong việc chỉnh đốn lại công tác giáo dục, đào tạo.

 Anh Nguyễn Minh Tuấn, một người làm trong ngành xây dựng, quan niệm: Giáo viên phải là những người mẫu mực về tư cách đạo đức và có chuyên môn vững vàng. Có như vậy mới tạo ra được các thế hệ học sinh có nhân cách và năng lực thực sự. Không phủ nhận là học tại chức cũng có người này người kia, nhưng nhìn chung việc đào tạo tại chức hiện nay, để tìm một giáo viên giỏi, truyền đạt kiến thức tốt cho HS là rất khó".
 
Sự nghiệp “trồng người”: Coi trọng chất lượng đầu vào - Ảnh 1
Ngành giáo dục Hà Nội sẽ chỉ tuyển viên chức là đối tượng tốt nghiệp hệ chính quy.

Từ góc độ của cơ sở đào tạo, ông Nguyễn Văn Mã, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng cho rằng: "Về lý, bằng cấp của các hệ đào tạo như chính quy, tại chức, từ xa, liên thông… đều "bình đẳng" trước pháp luật. Tuy nhiên, trên mặt bằng chung đó, các địa phương như Hà Nội có quyền đưa ra các tiêu chí riêng để chọn được người lao động tốt nhất. Đây là nhu cầu chính đáng, là xu hướng tiến bộ. Xã hội muốn phát triển cũng cần phải tuyển chọn người lao động có năng lực".

Ủng hộ việc “trồng người”

Ngành nghề nào cũng cần người thầy, người thợ giỏi, tận tâm. Ngành giáo dục càng cần những người thầy được đào tạo trong môi trường sư phạm chuẩn mực, chuẩn hóa về bằng cấp. Bởi vậy, việc ngành giáo dục chỉ tuyển giáo viên là cử nhân tốt nghiệp hệ chính quy các trường ĐH công lập như Hà Nội là điều rất đáng ủng hộ.

Có thể, ĐH tại chức, ĐH ngoài công lập có nhiều người giỏi, nhưng trong bối cảnh hiện nay, nếu một sinh viên không đủ điểm đỗ vào ĐH công lập hệ chính quy, phải học tại chức, phải đi "đường vòng"… thì liệu chất lượng có bằng những sinh viên học lực khá thi đỗ vào hệ chính quy? Vài năm trở lại đây, tốc độ thành lập các trường ĐH quá nhanh, các trường đã chuyển đổi mô hình đào tạo sang hướng đa ngành nghề.

Đặc biệt, nhiều trường ĐH ngoài công lập đào tạo đa ngành, trong đó luôn có ngành sư phạm. Xét về chất lượng thực tế, đội ngũ cử nhân sư phạm thuộc những khối trường này khó có thể cạnh tranh với những trường ĐH sư phạm truyền thống. Thêm vào đó, như PGS Văn Như Cương phân tích: Chất lượng đào tạo tại chức thấp là do có sự "gặp nhau" giữa người học và người dạy, cơ sở đào tạo trong việc "hợp thức hóa tấm bằng". Thậm chí, nhiều người muốn không phải học mà có bằng. Trong khi đó người dạy, cơ sở đào tạo thì coi tại chức là "mồi câu cơm" nên càng nhiều người học càng tốt…". Vì vậy, tôi rất ủng hộ cho sự nghiệp "trồng người" của Hà Nội".

Thủ đô Hà Nội là trung tâm giáo dục, đào tạo của cả nước, chất lượng ngành giáo dục nơi đó không thể xem nhẹ. Động thái trên của ngành giáo dục Hà Nội bước đầu được dư luận ủng hộ, phù hợp yêu cầu của tình hình mới. Đành rằng, bằng cấp không phải là thước đo duy nhất, nhưng đối với ngành giáo dục, giữ vai trò "trồng người", thì chất lượng ban đầu phải được chọn lọc một cách minh bạch, kỹ lưỡng mang tính bền vững.