Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự trở lại của tre

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mạnh mẽ và linh hoạt, tre là một trong những loài thực vật phát triển nhanh nhất trên thế giới: Trong khi các loại gỗ mềm và cứng có thể mất từ 40 - 150 năm để trưởng thành, tre sẵn sàng cho thu hoạch chỉ sau 3 năm.

Nhà cộng đồng Casamia tại Khu nghỉ dưỡng Casamia ở Hội An.  
Nhà cộng đồng Casamia tại Khu nghỉ dưỡng Casamia ở Hội An.  

Khi được xử lý và chế tạo, nó có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ - lợi thế mà ngành xây dựng châu Á đã và đang nắm bắt.

Nhà tre thành xu hướng

Trong những năm gần đây, ngành xây dựng đã bị chỉ trích nặng nề vì những tác động nghiêm trọng đến môi trường. Việc sử dụng các vật liệu như thép và bê-tông là những yếu tố góp phần đáng kể vào việc phát thải khí nhà kính, trong khi việc khai thác các nguồn tài nguyên thô, bao gồm đá và sỏi, đã làm suy giảm cảnh quan và đất đai. Điều này đã thúc đẩy tìm kiếm các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường hơn.

Tìm kiếm những cách mới để xây dựng những ngôi nhà bền vững hơn, Earl Forlales - một kiến trúc sư trẻ người Philippines - quyết định nhìn về quá khứ thay vì tương lai. Ông bà của anh, giống như nhiều thế hệ người Philippines, từng sống trong một “Bahay Kubo” - một túp lều truyền thống, hình hộp, một tầng bằng tre, quan thuộc của người bản địa. Anh nói với CNN: “Người Philippines đã sử dụng tre làm nhà ở từ trước thời thuộc địa hàng nghìn năm”.

Sau khi chiến thắng thử thách “Các thành phố cho tương lai của chúng ta” do Viện Khảo sát Công chứng Hoàng gia của Vương quốc Anh tổ chức vào năm 2018, chàng trai tốt nghiệp ngành kỹ thuật vật liệu đã chuyển ý tưởng với tre của mình thành một công ty mà anh đồng sáng lập Cubo vào năm 2019. Cubo hiện cung cấp 4 mô hình nhà khác nhau, chứa tối đa 6 người ở. Mỗi ngôi nhà được làm theo đơn đặt hàng và có thể được tùy chỉnh để bao gồm các yếu tố như pin mặt trời trên mái nhà, giảm hơn nữa chi phí vận hành và lượng khí thải carbon của cư dân.

Công ty hiện sản xuất được 6 căn nhà mỗi tháng, nhưng Forlales cho biết nhu cầu cao hơn nhiều và anh hy vọng sẽ tăng nguồn cung. “Người dân Philippines hoan nghênh sản phẩm này một cách nồng nhiệt vì nó rất quen thuộc. Họ nhận ra rằng đó là một sự tiến hóa trực quan cho những ngôi nhà tre ở các địa phương của chúng tôi” - Forlales nói - “Trên khắp châu Á, chúng ta có hàng triệu km2 tre đang sinh sôi nảy nở. Vì vậy, chỉ cần khai thác đúng thị trường, bạn có thể nắm bắt được nó”.

Đáng nói, Cubo không phải là công ty duy nhất ở châu Á nhìn thấy tiềm năng của tre như một vật liệu xây dựng bền vững và mạnh mẽ. Một studio
Việt Nam, Võ Trọng Nghĩa Architects, đã sử dụng tre cho nhiều dự án của mình, bao gồm Nhà cộng đồng Casamia tại Khu nghỉ dưỡng Casamia ở Hội An (Quảng Nam). Hay Zuo Studio, có trụ sở tại Thâm Quyến, cũng đã tạo ra các gian hàng tre cho Triển lãm Thực vật Đài Trung ở Đài Loan (Trung Quốc).

Ở Bali, Indonesia, công ty kiến trúc Ibuku là một trong số những đại diện chuyên về các tòa nhà tre quy mô lớn, phức tạp. Kể từ năm 2007, Ibuku đã xây dựng hơn 60 công trình kiến trúc bằng tre, bao gồm Ngôi làng Xanh - một cộng đồng bền vững gồm 12 biệt thự sang trọng, và Trường học Xanh - nơi có khuôn viên không tường, được bao quanh bởi hoàn toàn thiên nhiên.

Elora Hardy, người sáng lập và giám đốc sáng tạo của Ibuku, cho biết: “Mặc dù tre đã được sử dụng để xây dựng các công trình nhỏ ở các địa phương trong hàng nghìn năm, nhưng hiện đã có các giải pháp xử lý tự nhiên, an toàn mà chúng ta có thể xem xét tre để xây dựng các tòa nhà nhiều tầng”. Trong khi hầu hết các dự án của cô đều sử dụng tre đã qua xử lý ở dạng tự nhiên, Elora tự tin rằng với những tiến bộ đối với việc xử lý tre, có thể xuất hiện cả những tòa nhà chọc trời, và thậm chí toàn bộ thành phố có thể được xây dựng từ tre trong tương lai.

Vật liệu nhiều lợi thế

Trở lại câu chuyện của Cubo, Forlales cho biết công ty anh đã bắt đầu sản xuất các ngôi nhà tiền chế vào tháng 11/2020. Các cấu trúc có thể được lắp ráp chỉ trong vài ngày và được dự đoán có tuổi thọ lên đến 50 năm. Anh hy vọng rằng các thiết kế nền và sử dụng tre của Cubo có thể giúp thúc đẩy xây dựng bền vững, đồng thời cung cấp các giải pháp nhà ở giá cả phải chăng cho cuộc khủng hoảng nhà ở của Philippines.

Những ngôi nhà bằng tre của Cubo kết hợp nhiều khía cạnh của “Bahay Kubo” truyền thống, bao gồm nền được nâng cao và các cửa gió - một loại rèm cửa sổ cho phép thông gió và ánh sáng tự nhiên. Nhưng Cubo đã nâng cấp các túp lều bằng tre lên một phiên bản của thế kỷ XXI, bao gồm các nguồn cung ánh sáng hiện đại và cửa sổ chất liệu polycarbonate chống va đập.

Philippines rất dễ xảy ra động đất và bão, vì vậy những ngôi nhà được ưu tiên thiết kế để đề phòng thiên tai. Các “cột chống bão” bằng kim loại được sử dụng làm đầu nối giữa các bức tường, mái nhà và các tấm sàn, và những ngôi nhà vẫn được gia cố thêm bằng móng bê-tông đổ, khác biệt so với các nhà sàn truyền thống. Trong khi sáng kiến này mang lại cho các công trình một cơ sở vững chắc, việc xây dựng bằng bê-tông cũng đang góp phần vào cuộc chiến với biến đổi khí hậu.

Liên quan đến vấn đề này, dự án đầu tiên của Cubo đã sớm phải chịu thử thách. Vào tháng 12/2020, chỉ vài ngày sau khi 2 ngôi nhà tre đầu tiên được xây dựng, Philippines đã phải hứng chịu một trận động đất mạnh 6 độ Richter. Những ngôi nhà của Cubo vẫn bình yên vô sự.

Mặc dù tính bền vững là lợi thế chính của tre, nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến Cubo tìm đến “loại cỏ mọc nhanh” như một vật liệu xây dựng thay thế. Philippines hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng, ước tính có khoảng 4,5 triệu người sống vô gia cư vào năm 2021 và thâm hụt nhà giá rẻ.

Forlales cho biết, những ngôi nhà của Cubo có giá từ 649.800 - 1,8 triệu peso Philippines (12.900 - 35.738 USD), tương đương với những ngôi nhà tầm trung được xây dựng bằng vật liệu thông thường. Tuy nhiên, anh đặt mục tiêu giảm giá hơn nữa bằng cách hợp lý hóa sản xuất và tăng cường tự động hóa trong xưởng. Công ty cũng đã giới thiệu một kế hoạch thanh toán, để giúp giảm chi phí trả trước cho người mua.

Theo Bhavna Sharma, trợ lý giáo sư kiến trúc tại Đại học Nam California và là thành viên của nhóm đặc trách phát triển các tiêu chuẩn quốc tế về vật liệu xây dựng bằng tre, kỹ thuật tre đã chính thức được đưa vào xây dựng từ cuối thế kỷ 20. Sharma cho biết: “Các tiêu chuẩn về thử nghiệm cơ học đối với vật liệu tre được chế tạo hiện đang được phát triển. Tuy nhiên, các lĩnh vực như khả năng chống cháy vẫn đòi hỏi phải được nghiên cứu sâu rộng hơn”.

 

Là một vật liệu phát triển nhanh và có thể tái tạo, tre có thể bổ sung cho các loại gỗ cứng được thu hoạch bền vững, với lợi ích bổ sung của việc trồng tre là giúp phục hồi đất và đất bạc màu.

Trợ lý giáo sư kiến trúc tại Đại học Nam California Bhavna Sharma