Sửa đổi Luật để giải quyết những bất cập trong quản lý, sử dụng, chống lãng phí đất đai

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Theo chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2022, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3. Đây là Dự Luật được chờ đợi để giải quyết những bất cập trong quản lý đất đai hiện nay.

11 nhóm chính sách được đề xuất sửa đổi
Theo nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Đất đai (sửa đổi) là Dự Luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động sâu rộng nhiều mặt đến kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, cần có thời gian để chuẩn bị, xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, thận trọng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không ban hành ngay Nghị quyết về đất đai (trong khi chờ sửa luật) và cho giữ Dự án Luật này trong Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và thứ 4 (năm 2022) để thông qua trong năm 2023.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, trong quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng dự án tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình tại hai Kỳ họp. Tức thông qua dự án Luật này sớm hơn tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), đây là độ mở trong chương trình xây dựng Luật.
Trước đó, trong tờ trình số 224/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đế Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách đã được xác định rõ ràng phương án xử lý, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng để giải quyết những yêu cầu thực tiễn cấp bách đặt ra.
Việc sửa đổi các quy định trong Luật Đất đai 2013 được chờ đợi sẽ giải quyết bất cập trong thực tiễn (Ảnh minh họa)
Cụ thể như, làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; phân cấp phân quyền và cải cách thủ tục hành chính.
Phân loại đất theo mục đích sử dụng, theo không gian và chức năng sử dụng đất.
Hoàn thiện quy định về các đối tượng sử dụng đất để đảm bảo đồng bộ thống nhất với các pháp luật khác có liên quan.
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, cải  tạo, nâng cao chất lượng đất đai.
Thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác.
Cùng với đó là nhóm quy định về kinh tế đất đai; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận.
Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.
Hoàn thiện quy định về quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng các loại đất.
Hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai.
Chính phủ cũng chỉ rõ, những chính sách lớn, cần phải chờ tổng kết Nghị quyết T.Ư và xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, sẽ tiếp tục nghiên cứu; sau khi có kết quả tổng kết và ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ sẽ đề xuất bổ sung trong quá trình soạn thảo Dự án Luật và thực hiện đánh giá tác động bổ sung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cần "quyết tâm hơn" để sớm hoàn thành việc sửa luật
Luật Đất đai đã ra đời hơn 30 năm, với 5 lần sửa đổi, bổ sung và gần nhất là vào năm 2013. Nhiều ý kiến cũng như Tờ trình của Chính phủ đã chỉ ra, sau 7 năm, bên cạnh những kết quả đạt được Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo. Trong đó, dẫn đến việc mập mờ trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra....
Thực tế những năm qua, các kiến nghị, khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại. Vấn đề sửa đổi Luật Đất đai đã được đưa ra bàn bạc nhiều lần với kỳ vọng sẽ giải quyết một cách căn cơ những tồn tại, hạn chế bất cập của Luật hiện hành; đồng thời tạo ra đột phá trong cải cách thể chế, thúc đẩy sự phát triển.
 Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kum Tom) phát biểu tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV
Khi thảo luận về nội dung này trong Chương trình xây dựng luật và pháp luật, nhiều đại biểu đồng tình và đánh giá cao việc đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào cho ý kiến tại các Kỳ họp trong năm 2022. Đồng thời, mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành cần "quyết tâm hơn" để sớm hoàn thành việc xây dựng, để luật này sớm được thông qua, đi vào cuộc sống.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), trên thực tế việc quản lý, sử dụng cho thấy, đất đai chưa trở thành nguồn lực lớn, chưa được sử dụng tốt để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tiêu cực sai phạm xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều địa phương trong quá trình giao đất thu hồi đất…  Luật Đất đai đang được cử tri và Nhân dân quan tâm, việc cho ý kiến và thông qua theo quy trình 3 Kỳ họp là sự thận trọng có cơ sở, bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề.  
Một số ý kiến bày tỏ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho “độ mở” để nếu Luật chuẩn bị tốt, sẽ được thông qua trong năm 2022 là cần thiết. Bởi còn phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó dẫn đến có thể kéo dài đến cuối nhiệm kỳ Luật mới đi vào cuộc sống. Trong khi Luật Đất đai hết sức cần thiết sửa đổi để sớm giải quyết nhiều cái bất cập trong quản lý đất đai; trong việc đảm bảo quyền sử dụng tài sản, đất đai của công dân và nhiều vấn đề bất cập khác. Có như vậy mới thể hiện được sự quyết tâm của Quốc hội và các cơ quan pháp luật trước một vấn đề rất “nóng bỏng” và cần sự thay đổi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần