Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa đổi quy định đạo đức người làm báo

Ngọc An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016 và triển khai góp ý sửa đổi bổ sung quy định đạo đức người làm báo Việt Nam, sáng 14/7.

Nhà báo Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu.
Nhà báo Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu.
Đánh giá cao những kết quả mà hệ thống báo chí trong những năm qua đã đạt được, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, sau 11 năm thực hiện, Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam được đánh giá không còn phù hợp với hoạt động thực tiễn của báo chí cũng như với Luật Báo chí vừa được Quốc hội thông qua tháng 4/2016. Do đó, Hội Nhà báo Việt Nam kêu gọi các hội viên và người làm báo cả nước đóng góp, đề xuất, sáng kiến để xây dựng một Quy định mới, phù hợp hơn, không nhất thiết là 9 điều như hiện nay. Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy định đạo đức người làm báo. “Trách nhiệm của báo chí là tìm kiếm sự thật, hạn chế gây hại bằng những thông tin “bỏng mắt, đắng lòng”, bất chất đạo lý, đảm bảo báo chí hoạt động độc lập, có trách nhiệm giải trình và sửa sai” - Bộ trưởng Bộ TT&TT nêu và cũng cảnh báo sự phát triển của mạng xã hội đang đặt ra nhiều thách thức đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo như hành nghề trung thực khách quan, xâm phạm quyền tự do cá nhân, phát ngôn của nhà báo trên mạng xã hội...

Trao đổi thêm về những điểm mới của Luật Báo chí 2016, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Luật được soạn ra không chỉ để cho những người làm báo mà cho mọi công dân Việt Nam. Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Luật quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, tổ chức và hoạt động báo chí... Luật cũng có những điểm mới về cơ chế tài chính, kinh tế báo chí. Luật cũng quy định rõ hơn các quyền tác nghiệp của báo chí và nhà báo, về trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan Nhà nước, trách nhiệm bảo vệ nguồn tin của nhà báo, các tiêu chuẩn cấp thẻ nhà báo... Luật Báo chí 2016 cũng luật hóa đạo đức nghề nghiệp người làm báo, nhà báo bị thu hồi thẻ nếu vi phạm quy định đạo đức nghề báo. Việc học tập và quán triệt Luật Báo chí 2016 sẽ được tổ chức sâu rộng trên cả nước cho đến khi luật chính thức có hiệu lực vào 1/1/2017.

Theo kế hoạch, từ 1/8 - 30/9, T.Ư Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo, lấy ý kiến tham gia của các ngành, các cấp liên quan về sửa đổi, bổ sung quy định đạo đức người làm báo. Sau khi tổng hợp ý kiến, chỉnh sửa, từ ngày 1/10/2016, các cấp hội tổ chức học tập và thực hiện quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cũng có thư kêu gọi về việc hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Sẽ điều chỉnh cơ cấu giải báo chí quốc gia

Chiều 14/7, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã tổng kết 10 năm Giải Báo chí quốc gia. Theo Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Thuận Hữu, Giải đã thực sự là nguồn cổ vũ lớn đối với người làm báo, động viên ý thức sáng tạo của những người làm báo Việt Nam. Nhưng qua 10 năm thực hiện, vẫn còn những mặt hạn chế cần được khắc phục, cải tiến, để ngày càng nâng cao chất lượng. Hội đồng Giải Báo chí quốc gia cũng đã dự kiến phương hướng cải tiến, nâng cao chất lượng Giải. Theo đó sẽ tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi cơ cấu Giải; tiếp tục nâng cao chất lượng tác phẩm dự giải; có các hình thức thiết thực, cụ thể tuyên truyền, quảng bá, phát huy kết quả của Giải… (Bảo Quyên)