Sửa đổi quy định xét tặng: Danh hiệu nghệ sĩ sẽ bão hòa?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 40/2021/NĐ-CP (Nghị định 40) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP (Nghị định 89) quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định quan trọng. Nhiều ý kiến cho rằng với Nghị định 40 nghệ sĩ dễ dàng đạt danh hiệu hơn, đồng nghĩa với đó là việc tạo nên những cơn mưa danh hiệu, bão hòa danh hiệu?

Diễn viên Trung Anh, Minh Hằng, Công Lý nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, năm 2019. Ảnh: Duy Anh
Giải tỏa nỗi lo bằng cấp
Tại Nghị định, nội dung quan trọng đầu tiên được sửa đổi là quy định về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của cá nhân. Nếu Nghị định số 89 quy định thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở thì tại Nghị định 40, quy định này được sửa đổi, bổ sung thành: Thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của cá nhân được tính từ khi tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở; hoặc cá nhân đủ 18 tuổi, hoạt động nghệ thuật tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở. “Sở dĩ có sự sửa đổi, bổ sung này là nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tế. Khi áp dụng quy định tại Nghị định 89, chúng ta đã lắng nghe và ghi nhận nỗi lo vì không bằng cấp đối với trường hợp các nghệ sĩ hoạt động ở các loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù là truyền nghề. Nếu xét bắt buộc phải học từ trường đào tạo chuyên nghiệp thì sẽ rất thiệt thòi cho những cá nhân này” - Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ VHTT&DL) Phùng Huy Cẩn cho hay.

Nội dung sửa đổi về tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu NSND, NSƯT được quy định tại Điều 8, 9 cũng được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo đó, về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, bên cạnh những quy định “cứng” mang tính định tính, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên. Nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND đã được tặng danh hiệu NSƯT và sau đó phải có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân); hoặc có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia (nếu không có 1 giải Vàng cá nhân). Trước đây, Nghị định 89 cũng đã có quy định xét danh hiệu NSND phải có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu NSƯT, tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng đối với tiêu chí khẳng định dấu ấn cá nhân của nghệ sĩ được tôn vinh. Ông Phùng Huy Cẩn khẳng định, những quy định sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 40 được soạn thảo căn cứ vào tình hình thực tiễn, đảm bảo tính chính xác, khách quan trong công tác xét tặng, tôn vinh những tài năng, cống hiến của các nghệ sĩ đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Từ đặc cách sang đặc biệt

Tại mỗi lần xét tặng giải thưởng trước đây luôn xuất hiện những đợt kêu khóc của nghệ sĩ trên phương tiện truyền thông về những nghệ sĩ có cống hiến nhưng không đủ huy chương để xét tặng như: Diễn viên Trần Hạnh, nghệ sĩ cải lương Minh Vương… Các trường hợp này không đạt được danh hiệu theo các quy định của Nghị định, mà cần nhờ vào xem xét đặc cách. Nghị định 40 đã tháo gỡ những vướng mắc này với quy định bổ sung về các trường hợp đặc biệt, thay vì xét đặc cách như trước đây. Theo đó, tiêu chí để đưa vào trường hợp đặc biệt là các nghệ sĩ có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Những trường hợp đặc biệt này vẫn phải qua 4 cấp Hội đồng và cuối cùng là trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2 năm một lần, những người làm văn hóa nghệ thuật lại rộn ràng không khí buổi lễ đón nhận danh hiệu NSND, NSƯT tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đó là ngày hội của những người nghệ sĩ cả đời cống hiến cho công chúng và được ghi nhận. Nhưng cũng không ít người so sánh, nếu như trước đây danh hiệu NSND, NSƯT rất cao quý, nhiều nghệ sĩ có danh hiệu còn được cấp đất, cấp nhà; thì ngày nay có vẻ như danh hiệu đã bão hòa. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Phùng Huy Cẩn khẳng định đó chỉ là cảm giác, thực tế số lượng nghệ sĩ đạt danh hiệu với tổng số nghệ sĩ cống hiến cho ngành không thật sự nhiều. Còn rất nhiều nhà hát là con chim đầu đàn của các lĩnh vực hiện không có nghệ sĩ nào đạt danh hiệu NSND như: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam…

Nghị định 40 sẽ có hiệu lực chính thức vào ngày 15/5/2021. Ngay sau đó, Bộ VHTT&DL sẽ ban hành Kế hoạch đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần