Ủy ban kinh tế của Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các điều ước quốc tế đang đàm phán hiện nay như Hiệp định đối tác kinh tế.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật đầu tư (sửa đổi) trước Quốc hội sáng 4/6, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Luật Đầu tư (sửa đổi) hướng tới bảo đảm tính đồng bộ với các luật có liên quan, phù hợp với yêu cầu hội nhập, thông lệ quốc tế và các cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các điều ước quốc tế đang đàm phán hiện nay như: Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại tự do khác để khi các hiệp định này được ký kết có hiệu lực thì không xung đột với các quy định dự án Luật này.
Đồng thời, yêu cầu Luật cần bảo đảm nâng cao quản lý nhà nước về đầu tư; làm rõ những lĩnh vực Nhà nước ưu tiên, khuyến khích phát triển để thu hút đầu tư; hoàn thiện phân cấp đầu tư, cơ chế phối hợp giữa cấp trung ương và địa phương, giữa các cơ quan liên quan, cùng với quy định rõ trách nhiệm của từng cấp gắn với chế tài xử lý rõ ràng, đồng bộ để hạn chế đầu tư dàn trải, phá vỡ quy hoạch ngành, vùng và địa phương.
Cho rằng, Luật cần có các quy định mới không thấp hơn quy định về đầu tư so với các nước trong khu vực thì mới tạo ra sức hấp dẫn, thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, có ý kiến đề nghị cân nhắc tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với một doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam là 51% vốn điều lệ trở lên mới được coi là nhà đầu tư nước ngoài. Ủy ban Kinh tế cho rằng hiện nay không có tiêu chí thống nhất về mức tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân để xác định khái niệm nhà đầu tư nước ngoài trong khi đó quy định này lại liên quan đến việc phân biệt đối xử với nhà đầu tư ở một số lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế gia nhập thị trường như phân phối xăng dầu, thuốc chữa bệnh, bất động sản. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc tiêu chí tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ trở lên, tránh trường hợp nhà đầu tư khai thác kẽ hở pháp luật góp vốn vào những lĩnh vực còn hạn chế gia nhập thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, đề nghị rà soát các khái niệm khác để bảo đảm tính thống nhất hệ thống pháp luật.
Về ngành nghề, địa bàn đầu tư, Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định như dự thảo Luật chưa mang tính đột phá so với Luật hiện hành, chưa cụ thể, rõ ràng, sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi thực hiện Luật. Do vậy, để thực hiện nguyên tắc nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết theo Hiến pháp mới và tạo sự minh bạch trong thực thi, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát để quy định chi tiết địa bàn ưu đãi đầu tư, ngành, nghề đầu tư có điều kiện và ngành, nghề cấm đầu tư ngay trong Luật.
Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến là về ưu đãi đầu tư. Có ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật, song có ý kiến đề nghị cần quy định chi tiết trong Luật các ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới, sản xuất vật liệu mới, năng lượng sạch....
Ủy ban Kinh tế cho rằng Luật đầu tư không thay thế được các luật chuyên ngành về quy định nội dung chi tiết về ưu đãi đầu tư, vì vậy, đối với Luật đầu tư chỉ quy định các hình thức ưu đãi như trong dự thảo Luật là phù hợp. Tuy nhiên, một số quy định liên quan đến cơ chế bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư còn chung chung, chưa bảo đảm tính khả thi , Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát và trên cơ sở tổng kết đánh giá các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành và đề xuất các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư mới, toàn diện hơn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà đầu tư và lợi ích quốc gia trong từng thời kỳ.
Về thẩm quyền quyết định đầu tư trong nước, đa số ý kiến cho rằng để tạo sự minh bạch thì cần quy định những loại dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong Luật. Đồng thời với các ngành, lĩnh vực đặc thù như: dầu khí, viễn thông, năng lượng nguyên tử, truyền tải điện... chỉ thuộc quyền quản lý thống nhất ở cấp trung ương để bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và hạn chế đầu tư dàn trải, phá vỡ quy hoạch ngành, quy hoạch vùng. Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý sai phạm. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị thêm, bổ sung quy định mang tính nguyên tắc chung để có căn cứ pháp lý về đầu tư cho những đơn vị hành chính này thực hiện.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam. Các vấn đề được đưa ra thảo luận trong Dự thảo Luật là quản lý nhà nước về hàng không dân dụng; vị trí, vai trò và địa vị pháp lý của Nhà chức trách hàng không; chức năng, nhiệm vụ của thanh tra hàng không; giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; việc mở, đóng và lập quy hoạch đối với sân bay chuyên dùng; điều kiện kinh doanh vận tải hàng không…
Nguồn Internet
|