Kinhtedothi - Sáng 4/6, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính
Thẩm tra Dự án Luật Đầu tư sửa đổi, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời rà soát, loại bỏ những thủ tục không cần thiết để tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, đối với quy định về ngành nghề, địa bàn đầu tư, quy định của Dự Luật còn quá chung chung, chưa mang tính đột phá, sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi thực hiện. Để thực hiện nguyên tắc nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, cần rà soát để quy định chi tiết địa bàn ưu đãi đầu tư, ngành, nghề đầu tư có điều kiện và ngành, nghề cấm đầu tư ngay trong Luật.
Làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Hoàng Hùng
|
Một trong những vấn đề được đề nghị cân nhắc thêm là tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với một doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam. Hiện nay, không có tiêu chí thống nhất về mức tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân để xác định khái niệm nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, nên xem xét tiêu chí tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ trở lên, tránh trường hợp nhà đầu tư khai thác kẽ hở pháp luật, góp vốn vào những lĩnh vực còn hạn chế gia nhập thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài như phân phối xăng dầu, thuốc chữa bệnh, bất động sản.
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, các ĐB đặc biệt quan tâm đến 2 vấn đề là quy hoạch và công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Các ĐB cho rằng, sân bay ở nước ta quá nhiều, trong đó còn có nhiều sân bay quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cát Bi, Cần Thơ, Cam Ranh, Phú Quốc... chưa hoạt động hết công suất. Vì thế, nên điều chỉnh lại quy hoạch và dự báo về sản lượng hàng không ở sân bay cần phải được kiểm chứng một cách độc lập, nhằm tránh lãng phí lớn.
Giảm bớt các loại giấy tờ không cần thiết
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật Hộ tịch, Dự án Luật Căn cước công dân, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Thẩm tra Dự án Luật Hộ tịch, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Dự án Luật đã có tính đột phá trong quản lý hộ tịch như việc áp dụng số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu điện tử hộ tịch... Tuy nhiên, cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đổi mới trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền của mình, từng bước giảm bớt các loại giấy tờ không cần thiết, nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý Nhà nước về hộ tịch.
Về phạm vi điều chỉnh và quan hệ giữa hộ tịch - hộ khẩu và căn cước công dân, nhiều thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng: Giữa hộ tịch, hộ khẩu và căn cước công dân tuy có mối liên hệ mật thiết với nhau, nhưng có phạm vi, mục đích và cách thức thực hiện khác nhau. Thực tế hiện nay, vấn đề hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý; hộ khẩu, căn cước công dân do Bộ Công an quản lý. Do vậy, tán thành không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Hộ tịch theo hướng bao gồm cả hộ khẩu và căn cước công dân.
Về thẩm quyền đăng ký hộ tịch, trong Dự Luật cần quy định chặt chẽ hơn việc cải sửa, cấp lại giấy tờ hộ tịch nhằm khắc phục tình trạng lợi dụng khi khai tăng, giảm tuổi để được nghỉ hưu sớm hoặc kéo dài thời gian công tác, trốn nghĩa vụ quân sự, trốn tránh trách nhiệm hình sự... Bên cạnh đó, theo quy định của Dự án Luật Căn cước công dân, Thẻ căn cước công dân sẽ được cấp cho cá nhân khi làm thủ tục khai sinh. Do đó, đề nghị cân nhắc lại việc cấp Giấy khai sinh để tránh làm phát sinh thêm giấy tờ đối với người dân.
Cũng trong chiều hôm qua, Quốc hội đã họp riêng, nghe tờ trình và thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, Dự án Luật Công an Nhân dân (sửa đổi).
Trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp Quốc hội về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Phải rà soát lại sự phối hợp Luật Đầu tư với Luật Doanh nghiệp xem những gì doanh nghiệp được phép làm, những gì được phép làm nhưng phải có điều kiện, những gì không được phép làm. Điểm thứ hai là phải thống nhất lại với xu thế mở cửa của chúng ta, phù hợp với Hiến pháp là công dân được phép làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, trên cơ sở đó, công bố công khai ngành nghề cấm, ngành nghề kinh doanh có điều kiện. |