Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa nhiều vẫn vênh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, trong cuộc tiếp xúc giữa ngành tài chính, Tổng cục Thuế với các DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lại nóng vấn đề các luật về thuế đang có độ vênh với một số luật chuyên ngành khác.

Đơn cử như theo Luật Đầu tư, cơ quan cấp phép có thể quyết định mức ưu đãi thuế cho những DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Song sau một vài năm, cơ quan thuế lại cho rằng mức ưu đãi như thế là quá nhiều. Và tùy vào từng trường hợp cụ thể mà cơ quan thuế có cách xử lý khác nhau. Trong khi Luật Đầu tư khuyến khích, cam kết bảo hộ quyền lợi nhà đầu tư nhưng với việc cơ quan thuế trong một số trường hợp cho rằng “ưu đãi ghi trên giấy phép là chưa phù hợp” đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhà đầu tư. Nói sửa thuế là để giảm gánh nặng cho DN, nâng sức cạnh tranh, khuyến khích đầu tư, nhưng sửa thuế mà ngân sách lại tăng thu lại là lý do không thuyết phục, vì trên thực tế, DN phải đóng góp nặng hơn. Đó là chưa kể trong một thời gian ngắn, như năm 2015, rất nhiều văn bản pháp lý trong lĩnh vực thuế được cơ quan thuế từ địa phương đến Tổng cục Thuế ban hành hướng dẫn về cùng một vấn đề, nhưng lại vô cùng rối rắm, làm khó cho không chỉ người nộp thuế, DN mà còn cả những cơ quan thực thi.

Đúng là văn bản quy phạm pháp luật nào chưa đúng, chưa phù hợp với thực tiễn của hoạt động đời sống, hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh, không phù hợp với thông lệ quốc tế thì phải sửa. Nhưng không thể để tình trạng mỗi luật lại có những quy định mâu thuẫn, thậm chí trái ngược nhau, gây ra những “phản ứng phụ” đối với DN, người nộp thuế.

Thực tế, những năm gần đây, năm nào Quốc hội cũng phải sửa 3 - 4 luật thuế, tuy nhiên, ngay cả khi xác định luật thuế có tính đặc biệt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng nhưng năm nào cũng sửa luật đang thể hiện những lúng túng trong quản lý. Luật Thuế giá trị gia tăng mới được sửa đổi năm 2013, nhưng năm 2014 lại phải sửa lần nữa. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được sửa đổi năm 2014 và phải tới ngày 1/1/2016 mới có hiệu lực. Còn Luật Quản lý thuế mới được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và cũng chỉ mới đi vào cuộc sống từ đầu năm 2015…

Tinh thần chung khi sửa các quy định về thuế là khuyến khích đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng với việc liên tục phải thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung chỉ trong thời gian ngắn không chỉ làm khó cho DN mà nhìn rộng hơn, nó đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.