Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Sức khỏe” doanh nghiệp - cốt lõi của hội nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh nghiệm thế giới cho thấy, để nền kinh tế có thể cất cánh, các nước cần ít nhất đội ngũ DN tương đương trên 2% dân số.

Theo thông lệ này, Việt Nam cần ít nhất 2.000.000 DN hiệu quả, trong khi chúng ta mới chỉ có khoảng 400.000 DN đang hoạt động…

“Sức khỏe” doanh nghiệp luôn bị ảnh hưởng

Vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến “sức khỏe” DN thời gian qua luôn chịu những ảnh hưởng tiêu cực trước những biến động của nền kinh tế khu vực và thế giới. Nguyên nhân trước hết xuất phát từ năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam còn chậm cải thiện và có vị trí xếp hạng khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014 - 2015 cho thấy, Việt Nam dù đã tiến 2 bậc nhưng vẫn chỉ xếp thứ 68/148 nền kinh tế. Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2014 cũng xếp Việt Nam ở vị trí 78/189 nền kinh tế.
Ngành ô tô phải chịu sức ép lớn do áp lực cạnh tranh tăng mạnh. 	Ảnh:  Việt Linh
Ngành ô tô phải chịu sức ép lớn do áp lực cạnh tranh tăng mạnh. Ảnh: Việt Linh
Ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính thế giới xuất phát từ Mỹ năm 2008 cộng với bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước kéo dài đã khiến thị trường xáo trộn, chi phí giá nguyên liệu tăng cao, DN đối mặt với nhiều rủi ro thách thức… Sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO (tháng 1/2007) đến nay. Bên cạnh đó, lực lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam ngày càng tăng về quy mô, về số lượng.

Một thời gian dài, DN Việt Nam phải chịu lãi suất ngân hàng rất cao. Lãi suất ngân hàng cao làm hao mòn vốn tự có của DN, trong khi tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, DN kinh doanh lỗ hoặc lợi nhuận thấp kéo dài. Đại bộ phận DN Việt Nam rất khó khăn về nguồn vốn và đa phần sử dụng vốn từ kênh ngân hàng. Các DN tư nhân, đặc biệt DN nhỏ và vừa càng khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Ngoài ra cũng phải kể đến những nguyên nhân do trình độ quản trị của DN Việt Nam chưa theo kịp với những chuẩn mực quốc tế...

Những cơ hội tăng sức cạnh tranh

Năm 2015 đánh dấu một giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam, với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN cùng hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), các FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu đã và chuẩn bị được ký kết… Các DN đang đứng trước những thuận lợi chưa từng có để mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh cũng tăng lên rất mạnh. Những ngành như ô tô, sữa, mía đường, chăn nuôi, thép… sẽ phải chịu sức ép lớn nhất. Hội nhập sâu rộng hơn, bên cạnh việc tạo áp lực cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, cũng đòi hỏi DN trong thời gian tới không chỉ tăng về mặt số lượng mà còn cần thiết phải hình thành những DN đủ mạnh để tăng sức cạnh tranh trên các thị trường.

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có trên 800.000 DN được thành lập, nhưng chỉ có khoảng 400.000 DN đang còn hoạt động. Tỷ lệ này quá thấp so với dân số trên 90 triệu và cũng quá thấp so với các nước, vùng lãnh thổ như Mỹ, Thái Lan, Israel, Nhật Bản… Thời gian qua, Việt Nam đã tập trung nỗ lực để có thể hội nhập kinh tế quốc tế và cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là với Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014…

Tuy nhiên, nếu tính trung bình theo thông lệ các nước thì Việt Nam cần có ít nhất 2.000.000 DN với năng lực cạnh tranh tốt, kinh doanh hiệu quả. Đây sẽ là lực lượng chủ công xây dựng và phát triển kinh tế bền vững. Xu hướng này đòi hỏi trong thời gian tới, Nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ, nhất quán.

Trong đó có thể tập trung vào 2 nhóm giải pháp chủ yếu: Thứ nhất, đó là những biện pháp về điều chỉnh cơ cấu tín dụng, không phải bằng biện pháp hành chính mà sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Điều chỉnh cơ cấu tín dụng của các tổ chức tín dụng theo hướng tập trung ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao…, giảm bớt tín dụng cho khu vực DN Nhà nước. Cơ cấu tín dụng, ngân hàng vì thế được nhận định cũng phải thay đổi căn bản cách thức cho vay trong thời gian tới. Tiến hành cho vay chủ yếu theo quản lý dòng tiền, hình thức thế chấp chỉ xem là phụ. Các khu vực cần khuyến khích như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu… cần ưu tiên lãi suất đặc biệt.

Thứ hai, đó là xu hướng xây dựng và hình thành một hệ thống chính sách kinh tế hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Tập trung các bộ, cơ quan, địa phương với nỗ lực cao nhất để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng bộ, hiện đại theo hướng tuân thủ đầy đủ quy luật của thị trường; Hình thành và đưa vào hoạt động các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa; Hỗ trợ về mặt hoàn thiện thể chế thông thoáng cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ “mở” thành lập hoạt động tại Việt Nam tăng cả về số lượng và chất lượng; Đẩy mạnh cải cách hành chính, hình thành hoàn chỉnh hệ thống pháp luật bảo vệ DN Việt Nam yên tâm sản xuất, kinh doanh. Đây cũng chính là những giải pháp đã và đang được triển khai, nhưng cần thực hiện quyết liệt hơn, nhất quán hơn và hiệu quả hơn.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nguồn gốc sâu xa của các bất ổn về kinh tế; về nợ công tăng; bội chi ngân sách hàng năm tăng… bắt nguồn từ DN chưa đủ về cả số lượng lẫn chất lượng (hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả). Đã không đủ số lượng và chất lượng, DN lại rơi rụng dần, hoạt động bấp bênh.

Bên cạnh đó, các FTA được ký kết giữa Việt Nam với các nước và khu vực ngày càng nhiều. Với quyết tâm cải cách mạnh mẽ của Chính phủ, 2.000.000 DN Việt Nam sẽ là động lực quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đưa kinh tế trong nước hội nhập sâu, rộng hơn với nền kinh tế thế giới. Điều này cũng là động lực quan trọng trong việc nâng bậc thứ hạng quốc gia so với các nước khu vực và quốc tế (về năng lực cạnh tranh của DN).