Đến thăm gia đình bà Lợi vào một buổi chiều muộn, chúng tôi không khỏi băn khoăn khi nhìn thấy cơ ngơi chỉ là ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, đã xây dựng gần 40 năm. Tâm sự với chúng tôi, bà Lợi bảo, Thượng Cát là địa phương mới chuyển đổi mô hình từ xã lên phường, hệ thống giao thông trong các khu dân cư còn chật hẹp. Hưởng ứng phát động của chính quyền về phong trào hiến đất làm đường và các công trình phúc lợi khác, mặc dù hoàn cảnh khó khăn, bà đã cùng 3 người con trai hiến 42m2 đất ở trị giá khoảng 860 triệu đồng để mở rộng đường đi khu vực hồ Đình của phường Thượng Cát và cũng là con đường dẫn đến di tích đình làng của phường.
Không những vậy, gia đình bà còn phải phá đi rất nhiều cây ăn quả: Bưởi Diễn, nhãn, đu đủ, mía… trên diện tích đất để làm đường vì sự phát triển chung của địa phương, vì lợi ích của người dân trong tổ dân phố và cũng là lợi ích của chính gia đình. Nhờ đó, đoạn đường chạy quanh hồ Đình đã được mở rộng khang trang hoàn chỉnh với sự phấn khởi của người dân địa phương.
Khi nhắc đến việc làm của mình, bà Lợi chia sẻ: “Trước kia, con đường chạy quanh hồ Đình khá chật hẹp, nhỏ đến nỗi chỉ vừa đủ cho một người đi xe đạp, nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Vì thế, mỗi lần đi trên con đường gần nhà, tôi luôn mong ước được đi trên một con đường rộng rãi, sạch sẽ hơn. Và đến khi có chủ trương của địa phương, tôi đã vận động 3 con trai hiến đất, chỉ mong người dân trong tổ dân phố và con cháu được đi lại trên con đường sạch sẽ, thông thoáng”.
Đến ngày hôm nay, bà Lợi như cảm thấy tự hào hơn mỗi khi đến lễ hội đình làng Thượng Cát hay hạnh phúc hơn khi được ngắm nhìn lũ trẻ vui chơi trên đoạn đường mới. Với bà, đất đai là tài sản quý của người nông dân. Thế nhưng, hiến đất làm đường vừa phục vụ lợi ích cộng đồng, còn có lợi ích cho gia đình khi con cháu được đi lại học hành, vui chơi dễ dàng... thì đó là việc nên làm. Xuyên suốt câu chuyện, bà Lợi luôn nhắc với chúng tôi về lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có ích cho dân phải hết sức làm, có hại cho dân phải hết sức tránh”. Chính vì vậy, bà luôn tâm niệm: “Lợi ích thì ai cũng cần, nhưng làm đường là để góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương. Vì lẽ đó, mình đâu thể chỉ vì lợi ích cá nhân mà quên đi tập thể cộng đồng, mình sống phải vì mọi người. Có đất xây dựng đường để đi, thấy có ích mình phải sẵn sàng đóng góp”.
Hành động đẹp với suy nghĩ bình dị ấy của bà Lợi đã có sức lan tỏa không nhỏ đến người dân xung quanh, nhiều người tự nguyện hiến đất làm đường giao thông trong các khu dân cư góp phần giảm đáng kể chi phí trong xây dựng tuyến đường trên địa bàn. Đồng thời, thúc đẩy phong trào xây dựng đường giao thông trong các khu dân cư theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ngày càng lan tỏa rộng khắp trên địa bàn Thủ đô. Đến nay, hầu hết những con đường của tổ dân phố Thượng Cát 4, phường Thượng Cát khang trang, sạch đẹp, rộng rãi, góp phần giải quyết nhu cầu giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế.
Về phường Thượng Cát hôm nay sẽ dễ dàng nhận thấy cảnh quan môi trường nơi đây đang đổi mới từng ngày nhờ có sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, trong đó, có sự đóng góp của những gia đình tiêu biểu như gia đình bà Trần Thị Lợi.